09/07/2019

THÔNG BÁO XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ

TẠI KỲ HỌP THỨ 11 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016-2021

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của UBND thành phố. Tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tại chương trình “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, lãnh đạo thành phố đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án và thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019 và chương trình “Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè” có thêm những hoạt động mới đặc sắc thu hút du khách. Sáu tháng đầu năm, khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4,3 triệu lượt , tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,8 triệu lượt, tăng 26,1%. Thu ngân sách ước đạt 14.722,4 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán, trong đó, thu nội địa ước đạt 12.765,2 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán.

Tại Kỳ họp thứ 9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tập hợp ý kiến cử tri và kiến nghị với HĐND thành phố 03 vấn đề, đó là: (1) Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, (2) Tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường, (3) Khắc phục tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp, quyết liệt xử lý nhưng người dân vẫn thấy bất an vì nỗi ám ảnh “xe container”, ô nhiễm môi trường chưa giảm, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục. Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị chính quyền tiếp tục có những giải pháp căn cơ để giải quyết 3 kiến nghị này.

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã nhận được 63 ý kiến cử tri phản ánh qua các tổ chức thành viên và Mặt trận các cấp. Hơn 7.000 hộ dân còn nợ tiền đất tái định cư lo lắng khi thành phố ban hành giá đất năm 2019; cử tri đề nghị sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ở các dự án khu dân cư 18 Trần Huy Liệu; khớp nối quy hoạch các tuyến kiệt từ đường Tôn Đản, đường Trường Chinh vào tuyến mương thoát nước Khe Cạn; thi công đoạn đường nối từ Nguyễn Công Trứ đến Nguyễn Thiện Kế thuộc tổ 29, 30 phường Phước Mỹ; cử tri phản ảnh công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư trên địa bàn huyện Hòa Vang còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các hồ điều tiết, các kênh trên địa bàn quận Thanh Khê, tại các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước. Cử tri quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang bức xúc trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra trong những đợt nắng nóng, đề nghị sớm xây dựng nhà máy nước Hòa Liên để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Cử tri và Nhân dân lo lắng vì dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ở 8/11 xã của huyện Hòa Vang, đề nghị tập trung dập tắt dịch, hạn chế tác hại của dịch bệnh đối với hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Tất cả các ý kiến này, Ủy ban MTTQ thành phố đã tập hợp đầy đủ, chuyển đến Thường trực HĐND và UBND thành phố. Tại diễn đàn hôm nay, chúng tôi tập trung kiến nghị ba vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất: Về xây dựng thành phố môi trường

Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, thành phố chúng ta đã đạt được 7/10 tiêu chí về môi trường, được các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thành phố đã phát sinh nhiều vấn đề, công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường còn nhiều điểm nóng, gây bức xúc cho người dân. Như đã nêu trên, một trong ba vấn đề cử tri kiến nghị tại kỳ họp thứ 9 là tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường, nhưng kết quả chuyển biến còn chậm, vẫn tiếp tục phát sinh những điểm ô nhiễm mới. Tổng kết Đề án, thành phố tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, tiêu chí mới để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, đô thị sinh thái. Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường nước, giữ sạch biển Đà Nẵng. Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị dự án trọng điểm này phải được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ thời gian, sớm chấm dứt tình trạng mỗi khi trời mưa lớn, nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và hoạt động du lịch của thành phố. Đồng thời, đề nghị chính quyền tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm về môi trường của các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng ven biển.

Nhiều năm qua, bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng ô nhiễm môi trường nhưng chỉ được giải quyết bằng các giải pháp tình thế nên gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ủy ban MTTQ thành phố thống nhất với chủ trương triển khai nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lý chất thải hiện đại và khôi phục môi trường sạch tại khu vực. Việc này là rất cấp thiết để đảm bảo xử lý chất thải rắn của thành phố đến năm 2030 và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác Khánh Sơn. Đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương triển khai dự án mang tính cấp thiết này và có sự chọn lựa kỹ về công nghệ đốt rác phát điện của nhà máy điện rác Khánh Sơn, đặc biệt chú ý đến khả năng ô nhiễm và các chất độc hại từ khói đốt rác cũng như việc xử lý tro sau khi đốt. Đồng thời chuyển đổi nghề, đảm bảo cơ bản cuộc sống, thu nhập cho hơn 300 lao động đang nhặt rác tại Khánh Sơn và di dời các hộ dân trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành, trồng cây xanh cách ly khu liên hợp và khu dân cư. Hiện nay, cùng với việc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Mặt trận và các đoàn thể đang vào cuộc mạnh mẽ cùng với chính quyền thực hiện Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, xem việc chuyển đổi nhận thức của người dân về rác là yếu tố quan trọng đảm bảo việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân có thói quen phân loại rác thải tại nhà và nơi công cộng, đề nghị cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phân loại rác, bởi vì có làm tốt việc phân loại rác thải tại nguồn thì mới giảm thiểu lượng rác phải đốt và đảm bảo vận hành của nhà máy điện rác.

Vấn đề thứ hai: Về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch  

Hiện nay, chính quyền thành phố đang triển khai hợp đồng với nhà thầu tư vấn từ Singapore lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố ĐN đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là lần thứ tư thành phố điều chỉnh quy hoạch chung kể từ năm 2002. Cử tri và Nhân dân mong muốn lần điều chỉnh quy hoạch này, vấn đề không gian công cộng, cây xanh đô thị phải được đặc biệt quan tâm và điều cốt lõi là phải kiên trì, kiên quyết bảo vệ, quản lý và thực hiện theo đúng quy hoạch để người dân có thêm nhiều công viên, vườn dạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về không gian công cộng. Trước mắt, đề nghị chính quyền thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp công viên 29/3, công viên Thanh Niên, mở rộng công viên APEC để phục vụ người dân.

Ủy ban MTTQ thành phố rất đồng tình và đánh giá cao chủ trương điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch, phát triển và một số dự án theo hướng vì mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn lợi ích cộng đồng và tuân thủ quy định của pháp luật. Theo đó, chính quyền thành phố tiến hành rà soát lại các dự án đang triển khai ven sông Hàn, làm việc với chủ đầu tư tạm dừng thi công để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, không xây dựng công trình cao tầng, tăng mật độ cây xanh, mở lối đi công cộng tại khu vực bờ sông Hàn phía Tây đường Trần Hưng Đạo nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ thiên nhiên, nhu cầu sinh hoạt công cộng của người dân. Chúng tôi tin tưởng rằng chủ trương đúng đắn này sẽ nhận được sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm của các chủ dự án ven sông Hàn như các chủ dự án ven biển đã đồng hành thực hiện Thông báo số 331 để người dân có các lối đi xuống biển và bãi tắm công cộng.  

Vấn đề thứ ba: Về đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an thành phố đã đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, nhờ đó, phạm pháp hình sự giảm 27 vụ, 100% án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn lo ngại về tình hình an ninh trật tự. Mặc dù ngành chức năng đã rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhưng hoạt động tổ chức cá độ, đánh bạc qua mạng, đánh bạc núp bóng trò chơi điện tử có thưởng, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài như vụ hàng chục người Trung Quốc thuê nhà ở Sơn Trà để tổ chức đánh bạc qua mạng. Tội phạm ma túy rất đáng báo động, so với cùng kỳ 2018 tăng 57 vụ, 73 đối tượng; đã phát hiện, xử lý 1.707 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 318 trường hợp, phương thức phạm tội tinh vi, lợi dụng các dịch vụ lưu trú, karaoke, vũ trường, quán bar để hoạt động. Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị chính quyền tăng cường các biện pháp quản lý và hạn chế cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Đề nghị chính quyền, Công an thành phố có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa đối với các cơ sở núp bóng dịch vụ lưu trú, karaoke, vũ trường, quán bar để buôn bán và sử dụng ma túy, tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống người dân.

Ủy ban MTTQ thành phố trân trọng đề nghị Chủ tọa Kỳ họp đưa ba vấn đề nêu trên vào nội dung kỳ họp. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Ủy ban MTTQ thành phố và cử tri, Nhân dân biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với 03 dự án được cử tri, Nhân dân thành phố và dư luận đặc biệt quan tâm. Sau các hội nghị phản biện, chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến, gửi kiến nghị đến lãnh đạo thành phố và các đơn vị liên quan. Thực tiễn cho thấy, trước khi triển khai các công trình, dự án có liên quan đến quyền lợi của người dân, chính quyền phải công khai thông tin rộng rãi và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, nhất là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thông qua hoạt động phản biện xã hôi của Mặt trận Tổ quốc để từ đó đưa ra quyết sách phù hợp, đúng đắn và nhận được sự đồng thuận của Nhân dân.

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, tầm nhìn đến năm 2045 “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. Cử tri và Nhân dân thành phố rất phấn khởi và tin tưởng Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ mở ra cơ hội lớn để thành phố Đà Nẵng bức phá đi lên trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố, cử tri và Nhân dân mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ để thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, nhất là kịp thời ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước; cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm trên lĩnh vực đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ./.

 

Trực tuyến: 50
Tổng: 12289203

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang