06/03/2017

  Là người khiếm thị duy nhất của cả nước đạt Giải thưởng về “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội” của Ủy ban Giải thưởng KOVA; sử dụng thành thạo vi tính, làm được cả việc phiên dịch tiếng Anh, dạy tiếng Anh, dẫn chương trình…Đó là chị Lê Thị Diệu Châu, ở phường Xuân Hà (Thanh Khê, Đà Nẵng).

Chị Diệu Châu (phải) đang dẫn chương trình.


Thanh niên có nếp sống đẹp

Những năm thơ ấu, mỗi lần nghe bạn bè nô đùa, hay ríu rít gọi nhau đến trường, cô bé Diệu Châu lại ngậm ngùi nuốt nước mắt vào lòng. Châu bị mù bẩm sinh, dù cha mẹ đã đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn vô hiệu.

Khi đã 14 tuổi, Châu mới được đi học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Những ngày đầu học chữ Brai, khả năng tiếp thu nhanh của Châu đã làm thầy, cô hết sức ngạc nhiên và chỉ trong một năm Châu đã học hết chương trình của 3 lớp (1, 2, 3). Từ năm 1995, Châu học hòa nhập theo chương trình thực hành sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Hằng ngày, Châu được cha mẹ, bạn bè đưa đón đến trường và học bằng cách nghe để hiểu, chỗ nào chưa hiểu thì nhờ thầy giảng lại”, Châu chia sẻ.

Trong 3 năm học tại Trường THBC Trần Phú, người nữ sinh mù tiếp tục lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trong đó, năm học lớp 10, Châu đã đạt giải Ba tại kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp thành phố. Đến bây giờ, Châu vẫn còn nhớ rõ khi thi học sinh giỏi, Châu được bố trí ngồi riêng một phòng, với một giáo viên dịch chữ Brai và một giám thị coi thi. Đề thi của Châu cũng là đề thi như bao thí sinh khác. Giáo viên dịch chữ đảm nhiệm dịch đề sang chữ Brai để Châu làm bài thi. Châu làm bài thi bằng chữ Brai và làm được trang nào thì người giáo viên ấy lại dịch sang chữ quốc ngữ trên cùng kiểu giấy rọc phách của thí sinh. Khi Châu lên nhận giải Ba, các giáo viên chấm thi xúc động đến trào nước mắt! Họ hoàn toàn không biết trong số bài thi mình đã chấm có bài của một học sinh mù!

Tốt nghiệp THPT, Châu thi đỗ vào Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Trên giảng đường đại học, Châu đạt nhiều kết quả tiêu biểu, với 100% môn học đạt điểm khá, giỏi. Châu còn học sử dụng vi tính và đã đánh được văn bản tiếng Việt, văn bản chữ Brai, tác nghiệp thành thạo nhiều chương trình khác. Cô sinh viên mù đã được Thành Đoàn Đà Nẵng tặng danh hiệu “Thanh niên có nếp sống đẹp”.

Tấm gương tiêu biểu

Châu vừa học đại học, vừa hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, được bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù quận Thanh Khê. Sau khi tốt nghiệp đại học (2007), chị được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ, rồi Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng. Cùng với Ban Thường vụ Thành Hội, chị đã tổ chức nhiều lớp dạy chữ Brai cho hội viên, dạy tiếng Anh cho các kỹ thuật viên matsa người mù và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp học này. Đặc biệt, chị còn làm phiên dịch khi tiếp các đoàn nước ngoài. Nhiều tổ chức phi chính phủ không có người phiên dịch tiếng Việt và chị Châu đã tự nguyện đảm nhiệm vai trò này mỗi khi họ đến làm việc với Hội Người mù thành phố.

Trong Ban chấp hành Thành Hội, chị Châu phụ trách công tác tuyên văn giáo, thường đọc báo cáo, tham luận, chủ trì các hoạt động phong trào. Chị còn đảm đương vai trò MC tại các buổi giao lưu, gặp mặt, tọa đàm... Nhìn chị dẫn dắt chương trình, ai cũng cảm phục bởi một người mù mà thông sáng, khéo léo, diễn đạt lưu loát và giàu tính thuyết phục. Chị từng đạt giải Nhì về thi thuyết trình tại Hội thi Tiếng hát Công chức, viên chức, người lao động - Thời trang công sở -Tuyên truyền viên Năm văn hóa, văn minh đô thị, do Công đoàn thành phố Đà Nẵng tổ chức.   

Những năm qua, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ Mù thành phố Đà Nẵng, chị Châu hết sức quan tâm đời sống của những người đồng cảnh ngộ. Người cán bộ khiếm thị ngày ngày bận rộn với bao công tác, nhất là việc vận động kinh phí giúp đỡ những hội viên nghèo. Chị cùng Ban Thường vụ Thành Hội đã vận động kinh phí xây dựng 2 nhà tình thương tặng hội viên Võ Thị Hát ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Hồ Thị Yến ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và 1 nhà tình nghĩa tặng bà Lê Thị Hiến ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang)…

Giàu tài năng, nhiệt huyết và tình nhân ái, chị Châu thường được mọi người gọi bằng những từ trân trọng: “Chị ấy mù mà sáng”. Chị là người khiếm thị duy nhất của cả nước đạt Giải thưởng về “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội” của Ủy ban Giải thưởng KOVA lần thứ 12, năm 2014.

Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, khẳng định: Chị Lê Thị Diệu Châu là cá nhân điển hình tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, là tấm gương sáng về ý chí, tài năng, lòng nhân hậu, không chỉ người khiếm thị mà cả người bình thường cũng cần phải học tập.

Theo dangbodanang

     

    Trực tuyến: 25
    Tổng: 12177803

     

    TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

    Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
    Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
    Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
    Email: mttqvn@danang.gov.vn
    Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
    Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

    Chung nhan Tin Nhiem Mang