14/12/2016
Thực hiện việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn dân, bà Nguyễn Thị Như Hòa, Bí thư Chi bộ 4A, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê cho biết: “Là cán bộ hưu trí cư trú ở kiệt 222 Trần Cao Vân từ lâu nên tôi thấy được tâm tư nguyện vọng của bà con nơi đây là mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp, thuận lợi hơn và việc mở rộng đường kiệt cũng nằm trong mong muốn thiết tha đó”.
Vào ngày 5-12-2011 với sự tham gia của cấp ủy Chi bộ 4, Chi bộ 4A và Ban điều hành hai tổ dân phố 14 và 15, cuộc họp đã bầu ra Ban vận động mở rộng đường kiệt 222 gồm bà Nguyễn Thị Như Hòa làm Trưởng ban, bà Đoàn Thị Kim Thoa và ông Dương Đức Mạnh, Tổ trưởng hai tổ dân phố 14 và 15, làm Phó ban.
Ngày 10-12-2011, Ban vận động đã họp nhân dân hai tổ dân phố 14 và 15 và đã có 52/74 hộ tham dự. Sau khi lắng nghe đại diện Ban vận động trình bày kế hoạch tổng thể về mở rộng đường kiệt 222 theo lộ giới 3m thì 100% hộ dân có mặt trong buổi họp đã nhất trí. Ban vận động đã tiến hành phát hai loại phiếu thăm dò ý kiến nhân dân có tên “Phiếu thăm dò ý kiến nhân dân” và “Phiếu tình nguyện hiến đất phục vụ giải phóng mặt bằng”.
Là Trưởng Ban vận động, bà Hòa luôn xung phong đi đầu trong công tác vận động nhân dân hưởng ứng giải phóng mặt bằng. “Muốn vận động tốt thì trước hết gia đình tôi phải là người làm đầu tiên. Tôi đã hội ý với các con trong gia đình nhất trí làm vào ngày 20-12-2011, sau đó tiếp tục vận động hai hộ kế tiếp. Sau khi thấy làm xong một đoạn đường đẹp, nhiều hộ khác đã hưởng ứng làm theo”.
Sau 3 ngày triển khai phát phiếu thăm dò, có 61/74 hộ đồng ý, 3 hộ chờ chủ trương Nhà nước, 6 hộ xin hỗ trợ mới làm, còn 4 hộ ở cuối kiệt giáp đường Tôn Thất Đạm chưa đăng ký. “Số phiếu thu hồi biết được kết quả cụ thể tôi rất mừng. Đó là thuận lợi cho việc vận động. Thuận lợi là bà con 2 tổ có truyền thống đoàn kết, thương yêu gắn bó, giúp đỡ nhau trong mọi việc khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tôi đã từng có kinh nghiệm trong việc đi vận động làm cống thoát nước trên đoạn đường dài 150m vào năm 1997 nên được nhiều người tin cậy và ủng hộ”, bà Hòa cho biết thêm.
Tuy vậy, khi tiến hành triển khai mở rộng kiệt, mọi việc không đơn giản bởi hộ nào cũng phải dời đồng hồ nước nên rất tốn kém, trong đó cũng có một số hộ nghèo, ốm đau, bệnh tật… Đặc biệt, có 8 hộ có tường rào, cổng đẹp, kiên cố và 6 hộ hai đầu kiệt không sử dụng đường kiệt chung nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Do đó, Ban vận động xác định, việc mở rộng kiệt 222 Trần Cao Vân có thể kéo dài từ 2-3 năm mới hoàn thành. Bà Hòacho biết: “Những hộ nghèo, khó khăn chưa làm được, tôi đến từng nhà tìm hiểu và hỗ trợ xi măng, cổng cửa sắt, hàng rào sắt. Tôi đã hỗ trợ 16 bao xi măng, 1 cửa cổng sắt. Cụ thể như hộ ông Hét 85 tuổi có 1 con gái bị tâm thần, tôi đã vận động quyên góp tiền giúp ông làm hàng rào trị giá 2.750.000 đồng. Với tinh thần tương thân, tương ái của bà con lối xóm nên đến ngày 23-1-2013 đã có 62 hộ làm xong, ước tính khoảng 440 triệu đồng”. Qua đây, bà Hòa cũng kiến nghị cấp trên di dời 10 trụ điện vào sát bờ tường rào sau khi hoàn chỉnh việc mở rộng kiệt và đề nghị 5 hộ ở hai đầu kiệt Trần Cao Vân và Tôn Thất Đạm tiếp tục ủng hộ hiến đất mở rộng đường kiệt.
Với sự quyết tâm của bà con hai tổ dân phố và đặc biệt là sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ban vận động, trong đó có sự đóng góp rất lớn của bà Hòa, đường kiệt 222 Trần Cao Vân đã được mở rộng thông thoáng. Tuy là một việc làm nhỏ nhưng lại rất thiết thực và có ý nghĩa bởi không chỉ tạo điều kiện cho người dân hai tổ đi lại thuận lợi mà còn góp phần làm đẹp cho thành phố.
Theo dangbodanang