20/05/2015
Năm 2008, khu dân cư hình thành, đa phần các hộ dân nơi đây là từ các nơi khác chuyển về, mức sống thấp, còn lạ lẫm, thói quen sinh hoạt có nhiều khác biệt, chưa có nhiều thông cảm, chia sẻ; một số hộ ứng xử với cộng đồng, với môi trường còn tuỳ tiện, có hộ hay đổ rác thải ra đường. Đặc biệt, nhiều hộ không có công việc làm ổn định; thanh niên thiếu niên và trẻ em chưa có điều kiện hoà nhập và khép kín… đã đặt ra cho chị nhiều suy nghĩ về xây dựng khu dân cư theo các nội dung của cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư do Mặt trận phường phát động và ký kết thi đua.
Suy tư, trăn trở, nung nấu quyết tâm và tìm ra mấu chốt vấn đề cần giải quyết, chị bắt đầu công việc từ nội dung kinh tế. Tự tìm nguồn vốn để tạo ra việc làm, để đời sống của người dân ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo. Xây dựng môi trường sống, xây dựng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, sống hoà nhập và thân thiện, có lối sống tình làng nghĩa phố; có cảnh quang xanh sạch, không có người mắc tệ nạn xã hội hướng tới khu dân cư văn hóa.
Ban công tác Mặt trận khu dân cư có 9 người do chị làm trưởng ban, vừa là phó bí thư chi bộ, đây là nhân tố cơ bản để chị thực hiện công việc. Trong ban, các chi hội đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi, hoạt động khá đều tay là nguồn động viên, là điều kiện thuận lợi để chị thực hiện ý tưởng của mình.
Từ năm 2009, chị xây dựng mô hình “Tổ góp vốn tình thương”, kiểu dạng như hợp tác xã tín dụng siêu nhỏ, mục đích là tạo ra nguồn vốn và sau đó cho vay lại. Mỗi chị em theo khả năng của mình góp vốn xây dựng quỹ. Sau khi có vốn, vấn đề đặt ra là quản lý hiệu quả và minh bạch. Chị dự thảo ra quy chế quản lý và sử dụng quỹ để tập thể thống nhất. Tuy nhiên, lúc ban đầu còn e dè, chưa tin tưởng, số người tham gia chưa nhiều, thu chỉ được 30 triệu đồng; đến nay có 349 chị em tham gia góp vốn được 1,5 tỷ đồng. Không phải thế chấp, không trả lãi suất, giấy tờ đơn giản, đã giải ngân cho 171 lượt hộ vay. Mỗi lượt hộ vay được ít nhất 3 triệu, nhiều nhất 10 triệu đồng, số tiền tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực với người nghèo; do vậy, với nguồn quỹ này, từ những năm 2012 đến cuối năm 2014 đã góp phần hỗ trợ cho 112 hộ thoát nghèo.
Chị cùng với Ban công tác Mặt trận lập ra “Đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường” với mục đích giáo dục ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường cho trẻ em ở khu dân cư. Hằng tuần, vào chiều thứ 3,5,7 và sáng chủ nhật các em lại tập trung làm vệ sinh đường phố. Tại hội nghị về sáng kiến cộng đồng tổ chức ở Nepal, câu chuyện của chị kể về một em nhỏ ở trong khu đến xin người lớn - có thói quen ăn cơm xong vất hộp nhựa đựng thức ăn ra đường, người đó hỏi em xin hộp nhựa để làm gì? Dạ, để bỏ vào giỏ rác… được cử toạ hoan nghênh, vổ tay tán thưởng.
Sáng kiến “2T - Tổ tiết kiệm” mang ý tưởng tiết kiệm và tận dụng đã được chia sẻ tầm khu vực. Ban công tác Mặt trận phối hợp chi hội phụ nữ đề nghị mọi gia đình tập trung vỏ lon, chai nhựa, giấy báo để tại nhà. Hằng tuần, có người chuyên đến nhận và ghi số lượng. Số tiền thu được, trả cho người thu gom 30%, số còn lại Ban công tác Mặt trận và chi hội phụ nữ làm quỹ cho khu dân cư. Năm đầu tiên - 2010, thu được 24 triệu, năm sau tăng gấp đôi. Đến nay, nguồn quỹ này gần 160 triệu đồng với 578 thành viên tham gia. Có được số tiền này, khu dân cư có điều kiện tặng thưởng 724 học sinh giỏi, mua 6 xe đạp cho học sinh nghèo, tặng 32 học bổng, mua 23 bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hỗ trợ 12 triệu làm vốn cho hộ nghèo, tặng 220 quà tết cho hộ khó khăn, 11 triệu đồng thăm gia đình chính sách đau ốm và đặc biệt, mua sắm vật dụng cho Đội thiếu niên bảo vệ môi trường hoạt động... Qua quỹ này, Ban công tác Mặt trận đã tham gia giải quyết cụ thể những vấn đề thường ngày trong cuộc sống. Đồng thời, xây dựng được cộng đồng hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau, vai trò tập hợp đoàn kết của Mặt trận ngày càng rõ nét hơn. Mô hình sáng kiến này được báo cáo chia sẻ tại hội thảo “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, kinh nghiệm thực hiện 3R hiệu quả tại một số đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức.
Giúp đỡ những cảnh đời thương tâm, ngặt nghèo là tấm lòng cảm thông chia sẻ của người dân trong khu dân cư, ông Phó tổ 102 thuộc diện hộ đặc biệt nghèo. Vợ tai biến, ông chạy xích lô bị tai nạn bể xương chậu chưa đi lại được, năm sau, con trai ông đi xích lô cũng bị tai biến, cả nhà nằm liệt, chỉ còn người con dâu chồng chất gánh nặng. Chị đã cùng mọi người vận động được 7 triệu đồng viện phí mổ cho con trai. Sau đó, vợ ông qua đời, khu dân cư vận động được 57 triệu lo chôn cất, số tiền còn lại giao cho tổ trưởng phụ nữ đứng tên gửi ngân hàng để lo cho hai cha con. Hàng tháng, vận động được gạo, quà chị mang tới cho ông mặc dù hiện nay ông không còn là người dân của khu dân cư. Hộ nghèo Phan Thị Ít có cháu nội chết vì AISD, cha mẹ li dị, nội ngoại không người lo đám tang, chị đứng ra vận động khu dân cư được 32 triệu để lo chôn cất vẹn toàn.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở mỗi nơi làm một vẻ, một kiểu… vô cùng phong phú. Ở Hoà Phú 5, chị cùng với Ban thành lập ra nhóm “Tuyên truyền - tìm hiểu Pháp luật” gồm 12 thành viên. Các vấn đề dân cần biết để thực hành trong cuộc sống như An toàn giao thông, Bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình, Hôn nhân và gia đình, An toàn vệ sinh thực phẩm, Khiếu nại, Tố cáo... được chuyển đến với người dân hằng quý qua các buổi giao lưu, trả lời trúng câu hỏi có thưởng với những câu hỏi sát thực, dễ nhớ “Vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền ?”... Ngoài ra, 11 vấn đề theo Pháp lệnh 34 cần phải công khai cho dân biết và giám sát cũng được nhắc nhở thường xuyên.
Năm 2012, chị Hồng là 1 trong 3 đại biểu tham dự hội nghị “Phát triển cộng đồng nghèo các đô thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, với 12 nước tham dự tại Manela, chị được hội nghị mời trình bày sáng kiến 2T về tận dụng và tiết kiệm. Thông qua người phiên dịch, chị lắng nghe và tâm đắc với mô hình cộng đồng của người Nhật về “Tận dụng chất thải hữu cơ làm ra sản phẩm hữu ích cho đời sống” (gọi là chế phẩm EM). Mục đích của mô hình là giảm lượng rác thải ra môi trường, giảm gánh nặng, tăng tuổi thọ cho bãi rác và có sản phẩm để sử dụng. Ý nghĩa của vấn đề là giúp hộ nghèo giảm chi phí sinh hoạt, tạo thêm việc làm cho cộng đồng nhỏ. Bằng công nghệ sinh học đơn giản, ủ từ 1 tấn đến 2 tấn rác hữu cơ trong 30 ngày sẽ thu được 3 đến 4 ngàn lít nước thô, sau đó qua công đoạn tinh chế sẽ thu lại từ 300 đến 400 lít nước tẩy rửa dùng để rửa chén, lau nhà, chùi bếp, không có chất phụ gia hoá học, tính an toàn, tính tẩy rữa cao, chất cặn sau khi phân huỷ không có mùi hôi trở thành phân hữu cơ compost bón cây. Ưu điểm của mô hình là công nghệ đơn giản, vốn đầu tư, mặt bằng nhỏ, giá thảnh rẻ, dễ làm, dễ chuyển giao.
Qua nguồn vốn hỗ trợ từ sáng kiến 2T, chị mày mò thực nghiệm thành công, sản phẩm được giới thiệu đến với nhóm nhỏ người tiêu dùng để đối chứng và được đánh giá là sản phẩm tẩy sạch tốt và thân thiện. Để nhiều người được tiếp cận và cùng tham gia thực hiện mô hình cộng đồng này, chị đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và công thức xử lý rác thải hữu cơ thành sản phẩm hữu ích cho cán bộ phụ nữ của 56 phường xã, 138 cán bộ chi hội phụ nữ của quận Liên Chiểu, cán bộ nữ của 31 chi bộ khu dân cư phường Hoà Minh, 27 cán bộ nữ của phường Thanh Khê Tây...
Tiếng lành đồn xa, tháng 01/2015 được tổ chức UN-HABITAT chọn là 1 trong 22 sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực, chuyển thành phóng sự trình chiếu tại NewYork để kêu gọi tài trợ phát triển mô hình. Hiện nay, qua sự giới thiệu của tổ chức UN-HABITAT Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Dự án Quy hoạch nhanh của Cộng hoà Liên bang Đức đã chọn khu dân cư Hoà Phú 5 để triển khai tài trợ giai đoạn từ 2015-2019. Chị đang xúc tiến các thủ tục để dự án sớm đưa vào hoạt động, để có nhiều chị em ở khu dân cư có việc làm ổn định; chị kỳ vọng sẽ xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm “Nước rửa chén hữu cơ vi sinh”, “Nước lau bếp, lau sàn hữu cơ vi sinh”, và phân hữu cơ compost sẽ được các hợp tác xã trồng rau sạch bao tiêu.
Tiễn chúng tôi, chị giới thiệu hai chậu hoa trước hiên nhà đều tưới nước như nhau, nhưng một bên là tưới nước hữu cơ vi sinh, cây xanh tốt hơn và đang ra hoa, còn chậu kia chưa thấy gì, chị nói em sẽ nghiên cứu thêm vài ứng dụng mới như dầu gội đầu, thuốc kích ra hoa, kết trái. Mong mọi điều tốt lành và hiện thực.
Trần Văn Dư