29/10/2021
Sáng ngày 29/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị phản biện xã hội Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố: Trần Việt Dũng (phải) và Tăng Hoàng Hôn Thắm (trái) đồng chủ trì hội nghị
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở tôn giáo, đại diện người dân bị ảnh hưởng về các nội dung của Đồ án. Đa số các ý kiến đồng tình thống nhất về việc cần thiết ban hành và triển khai thực hiện của Đồ án là vô cùng cần thiết. Toàn bộ dự thảo Hồ sơ của Đồ án đã tuân thủ quan điểm chỉ đạo của thành phố và hướng dẫn của ngành văn hóa; các tài liệu thể hiện có sự điều tra, thu thập tư liệu nghiêm túc, chu đáo…và theo đánh giá của các nhà chuyên môn là Hồ sơ Đồ án được chuẩn bị khá đầy đủ, công phu, cụ thể và đảm bảo yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý, đề xuất với Đồ án, theo ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng cần gìn giữ các di sản văn hóa, kiến trúc cổ trong quá tình bảo tồn; không được làm mất yếu tố gốc của hiện vật, tránh tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật có liên quan lịch sử hình thành của vùng đất Ngũ Hành Sơn từng tồn tại cả trăm năm qua. Những cổ vật dưới lòng đất trong các khu di chỉ khảo cổ học - ở Ngũ Hành Sơn là di chỉ nam Hòn Thổ Sơn và di chỉ Vườn đình Khuê Bắc cần có tính toán để mở rộng diện tích khai quật, vì đây chính là nơi phát tích quan trọng của cư dân bản địa Đà Nẵng, liên quan tới văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh....

Đại biểu Bùi Văn Tiếng - Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát biểu tại hội nghị
Tham gia góp ý về định hướng quản lý kiến trúc, đại biểu Nguyễn Đình Phúc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố đề nghị cần xem xét chọn một số dãy phố trọng điểm để cải tạo thành các dãy phố có kiến trúc mặt đứng hấp dẫn theo xu hướng dẫn gũi thiên nhiên và truyền thống làng nghề nhằm tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách, có chính sách hỗ trợ cải tạo mặt đứng kiến trúc chung cho các hộ dân để tạo sự đồng bộ.
Về định hướng quy hoạch, đại biểu Nguyễn Đăng Hải – Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng Đồ án cơ bản xoay chung quanh trục: Núi - Biển - Sông- Chùa - Làng để thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi; đồng thời cần quy hoạch có tầm nhìn dài hạn trong việc quy hoạch Đồ án và không vì những cản trở trước mắt mà làm ảnh hưởng những nội dung quan trọng của Đồ án. Trong đó lưu ý: không nên định hướng quy hoạch và đầu tư các loại hình công trình kiến trúc như công trình phục vụ du lịch sát núi và ven sông Cổ Cò.
Về cách ứng xử của đường Lê Văn Hiến đối với toàn bộ khu danh thắng, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu tham luận, chưa rõ ý kiến thống nhất, đại biểu Nguyễn Đình Phúc – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố và đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Hội Kiến trúc sư thành phố thì cho rằng nên nghiên cứu làm hầm chui cho đường Lê Văn Hiến, lúc đó mới kết nối được không gian tổng thể của 5 ngọn núi; còn đại biểu Trần Hoàng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố thì đề xuất nên hạ cao trình đường này, xây dựng các tuyến đường đi bộ phía trên, sử dụng dây leo, cây xanh để hòa đồng thiên nhiên; trong khi đó Đồ án quy hoạch 02 tuyến đường hầm chạy qua đường này.
Phát biểu tham luận về định hướng kè sông Cổ Cò, đại biểu Huỳnh Vạn Thắng, Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNN thành phố cho rằng cao trình đỉnh kè nên chọn là +1.00m, thấp hơn 1m so với cao trình, đỉnh kè cũ. Phía sau lưng kè vuốt mái đến vỉa hè đường ven sông. Đất đắp sau lưng kè đến đường là loại đất giàu sét, kết dính tốt, chống xói lở tốt và được trồng cỏ trên mái. Giữ nguyên cao trình đường ven sông hiện tại, đoạn đầu từ Núi Gềnh đến chùa Quán Thế Âm là +1.50m và đoạn tiếp theo là +2.00m đến +2.50m. Do bề ngang từ mép sông đến núi Dương Hỏa Sơn và núi Âm Hỏa Sơn là rất hẹp, đề nghị tuyến kè đoạn này được phép dịch chuyển về phía sông. Đề nghị giảm bề rộng và tăng chiều sâu của đống đá đổ hộ chân để tăng mỹ quan bờ sông. Mở rộng tuyến đường ven sông từ 3.0m lên thành 5.5m bằng bê tông, có lề đường.

Quang cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng khái quát một số vấn đề mà hội nghị đã có ý kiến như sau:
Thứ nhất, hội nghị thống nhất về việc cần thiết ban hành và triển khai thực hiện của Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là vô cùng cần thiết.
Thứ hai, toàn bộ dự thảo Hồ sơ của Đồ án đã tuân thủ quan điểm chỉ đạo của thành phố và hướng dẫn của ngành văn hóa; các tài liệu thể hiện có sự điều tra, thu thập tư liệu nghiêm túc, chu đáo…và theo đánh giá của các nhà chuyên môn là Hồ sơ Đồ án được chuẩn bị khá đầy đủ, công phu, cụ thể và đảm bảo yêu cầu đề ra.
Thứ ba, đề nghị việc triển khai thực hiện Đồ án cần dựa trên nguyên tắc: tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, môi trường, tài nguyên, bảo tồn bảo tàng, di tích lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo và những vấn đề khác có liên quan.
Đồ án thực hiện phải thực sự đảm bảo giữ được cái “hồn cốt” văn hóa, lịch sử, tâm linh và tín ngưỡng của quần thể Ngũ Hành Sơn sao cho việc phát triển tương xứng với tên gọi là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia.
Thứ tư, về phạm vi và ranh giới lập quy hoạch di tích: đề nghị thành phố xem xét mở rộng theo hướng Tây và Nam của Đồ án; trong đó cần quan tâm hơn đến vùng phụ cận của Đồ án như sông Cổ Cò, khu vực ven biển và phía Nam cầu Biện để đảm bao quanh Đồ án tạo thành một tổng thể hài hòa, cảnh quang chung đẹp mắt, tránh việc chắp nối quy hoạch sau này. Ngoài các cảnh quan, công trình nằm trong di tích, cần có biện pháp xử lý các công trình ở “vùng đệm” hoặc ngoài vùng đệm nhưng có ảnh hưởng như các khu nhà cao tầng ở xung quanh núi.
Thứ năm, về quy hoạch trong Đồ án: phải cụ thể theo từng cụm khu vực, đảm bảo các di tích và công trình, cảnh quan trong di tích phải xoay chung quanh trục: Núi - Biển - Sông - Chùa - Làng với tầm nhìn dài hạn; không vì những cản trở trước mắt mà làm ảnh hưởng những nội dung quan trọng của Đồ án. Trong đó lưu ý: không nên định hướng quy hoạch và đầu tư các loại hình công trình kiến trúc sát núi và ven sông Cổ Cò; các công trình phục vụ du lịch (nhất là hệ thống công trình vệ sinh) phải được quy hoạch phù hợp với di tích mang đậm tính văn hóa và tâm linh tín ngưỡng; phải kết nối được không gian tổng thể của 5 ngọn núi Ngũ Hành.
Thứ sáu, Lễ hội Quán Thế Âm là Lễ hội cấp Quốc gia được tổ chức định kỳ hằng năm tại khu vực này, phải quy hoạch đảm bảo kết hợp hài hòa kết nối giữa Trục khu vực Lễ hội với khu vực núi Kim Sơn và chùa Quan Thế Âm để người đến tham dự Lễ hội có thể liên hoàn đi dạo qua các khu vực núi lân cận như: núi Thổ Sơn, núi Thủy Sơn, khu làng quê… Vì vậy BQL Dự án cần tính toán bổ sung việc mở 01 tuyến đường nội bộ (10-15 mét) nối từ sân chùa QTA thẳng đến Trục Lễ hội của Đồ án.
Thứ bảy, một số kiến nghị cụ thể của các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu hôm nay, Mặt trận thành phố sẽ tổng hợp cụ thể trong Báo cáo kết quả phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, sẽ gửi đến từng chuyên gia, các cá nhân và đơn vị đại diện cho các giai tầng của Nhân dân thành phố cho ý kiến trước khi gửi UBND thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao thành phố xem xét tiếp thu, chỉnh sửa.
Văn Sum