22/05/2019

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCT UBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chương trình thống nhất hành động năm 2019 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng và theo đề nghị tại Công văn số 1087/STNMT-CCMT ngày 17/4/2019 của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố v/v Lấy ý kiến các tổ chức phản biện nội dung Báo cáo ĐTM của Dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà,

Ngày 13/5/2019, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà. Hội nghị do ông Trần Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì. Phía đơn vị chủ trì dự thảo Dự án phản biện có sự tham dự của ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, ông Lê Văn Lâm - Giám đốc Ban quản lý DAĐTXD các công trình giao thông thành phố, đại diện 02 đơn vị tư vấn và lãnh đạo các Phòng, Ban chuyên môn thuộc Sở. Số lượng thành viên dự hội nghị là 48 đại biểu.

Hội nghị đã được nghe 09 ý kiến phát biểu của 09 vị chuyên gia (gồm 08 bài phản biện bằng văn bản và 01 ý kiến không có văn bản). Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và đơn vị tư vấn Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã trao đổi, giải trình làm rõ thêm nhiều ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổng hợp kết quả Hội nghị phản biện xã hội về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà (sau đây xin viết tắt là báo cáo ĐTM)  gồm những nội dung sau:

I. NỘI DUNG PHẢN BIỆN

1. Tính cấp thiết của việc triển khai xây dựng Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà

Vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng trong thời gian qua là vấn đề rất cấp bách. Tuy thành phố, các sở, ngành liên quan đã có nhiều giải pháp xử lý, giải quyết nhưng vẫn không dứt điểm. Đồng thời, với quy mô dân số của thành phố hiện tại và tương lai sẽ tăng cao, các ngành dịch vụ du lịch, cảng hàng không quốc tế… tăng trưởng nhanh, áp lực lên môi trường và vấn đề xử lý nước thải là rất lớn, thành phố cần sớm có giải pháp xử lý và giải quyết. Các ý kiến đều đồng ý với việc xây dựng và triển khai dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà là rất cần và cấp thiết, có 09/09 ý kiến nêu quan điểm đồng tình với việc triển khai Dự án này. Cụ thể:

- Hoạt động phản biện xã hội đối với Báo cáo ĐTM nhằm tư vấn cho lãnh đạo thành phố triển khai Dự án này theo một phương án tối ưu về tác động môi trường và quan trọng hơn là định hướng giải quyết ô nhiễm môi trường nước khu vực này trong tương lai, khắc phục những nhược điểm và xây dựng có tính đồng bộ, sử dụng có hiệu quả hệ thống thu gom xử lý nước thải, nâng cao công suất của Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà, có dự liệu tính toán để dự án triển khai  đưa vào sử dụng thì áp lực phải xử lý thu gom tăng nhanh, gây quá tải (ông Bùi Văn Tiếng - PCT không chuyên trách UBMT TP, Chủ nhiệm Hội đồng TV VH-XH).

- Tán thành chủ trương cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà vì sự cần thiết và tính chất cấp bách của nó. Đề nghị nghiên cứu đầy đủ để tránh lãng phí ngân sách nhà nước, hiệu quả cao, giải quyết được các vấn đề trong tương lai. Cần tính toán thật chi tiết, cụ thể về tổng mức đầu tư của dự án, các vấn đề có thể phát sinh khi triển khai, tránh để dự án đội giá vì những phát sinh do không lường trước (PGS, TS Trần Cát - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

- Khu vực biển Đà Nẵng nói chung và khu vực phía Đông quận Sơn Trà nói riêng dân cư ngày càng đông đúc, nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng và các dịch vụ du lịch ngày càng phát triển nóng, nhưng vấn đề xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ kịp thời,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước biển, chất lượng sống của nhân dân và khách du lịch. Vì vậy, việc đầu tư dự án là vô cùng cần thiết và khẩn cấp (GS, TS Trần Văn Nam - PCT không chuyên trách UBMT TP).

2. Về các thông số, số liệu đầu vào của Báo cáo ĐTM:

Đa số ý kiến đều cho rằng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường các số liệu đưa ra trong báo cáo chưa nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có cơ sở chứng minh tính chính xác; chưa trình bày các số liệu thủy văn để tính toán như bản đồ mạng lưới trạm đo mưa, cơ sở lựa chọn số liệu mưa cho khu vực dự án, số liệu mưa phục vụ tính toán, các kết quả tính toán để làm cơ sở đánh giá các giải pháp và nguy cơ..., và số liệu khảo sát mưa cập nhật số liệu quá cũ, đề nghị phải thay đổi và xác thực lại các số liệu đầu vào của báo cáo ĐTM một cách toàn diện cho các thời điểm trong năm, cụ thể:

- Trong hồ sơ báo cáo khả thi thì có trình bày lượng mưa phục vụ tính toán là 10 năm, từ năm 1999-2008 dùng để phân tích để lựa chọn tính toán thiết kế. Trong thiết kế công trình thì phải cập nhật cho đến thời điểm mới nhất, ở đây số liệu mưa phải cập nhập đến thời điểm hiện nay, do đó cần thu thập đầy đủ số liệu mưa phục vụ tính toán vì đây là cơ sở đầu vào để xác định quy mô và kích thước công trình. Bên cạnh đó mưa khu vực tính toán sẽ được lựa chọn số liệu mưa nào tại Đà Nẵng, cần phân tích lựa chọn trạm mưa tính toán vì ở Đà Nẵng hiện có 3 trạm đo mưa là Cẩm Lệ, Đà Nẵng và Sơn Trà. (PGS, TS Trần Cát - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và TS Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng);

- Báo cáo cần làm rõ tần suất thiết kế cho công trình là bao nhiêu, được lựa chọn như thế nào, sau khi xác định tần suất tính toán công trình, từ đó suy ra được số liệu mưa tương ứng là bao nhiêu, trong báo cáo có nêu số liệu mưa ứng với tần suất đảm bảo thoát nước là 15 ngày và sau đó lại thống kê số lượng trận mưa đảm bảo trên số liệu trận mưa trung bình mùa kiệt (tháng 1-8) từ năm 1999-2008, từ đó xác định cường đồ mưa tính toán là chưa phù hợp. Mực nước thủy triều là thông số rất quan trọng để thiết kế cửa ra, tư vấn nói cơ sở lựa chọn là 1.0m vì mực nước triều với tần suất 05 năm (+0.88m) nhằm ngăn không cho nước biển và cát chảy vào hệ thống cống bao thông qua các cửa xả ven biển. Tư vấn cần làm rõ mực nước triều với tần suất 05 năm này được xác định như thế nào, chuỗi dữ liệu sử dụng để xác định, mùa kiệt hay cả năm? (TS Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

- Phần tính toán thải lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trình bày chưa khoa học, các số liệu còn đá nhau, không thống nhất. Phần phụ lục có đến 8 bản vẽ thiết kế cơ sở Trạm xử lý nước thải quận Sơn Trà kèm theo báo cáo không đủ cơ sở pháp lý vì không có chữ ký cũng như dấu của các bên liên quan: tư vấn thiết kế, chủ dự án, phê duyệt của UBND thành phố … (PGS, TS Trần Cát - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

- Hồ sơ thiết kế chưa làm rõ năng lực thoát nước, phương án thoát nước, hiện trạng của các cống để làm cơ sở thiết kế đầu tư công trình. Với kết quả thiết kế chỉ chịu được 10mm là quá nhỏ, điều này sẽ dẫn tới khả năng có mưa là nước sẽ chảy ra biển, dẫn đến việc đầu tư chi phí lớn nhưng hiệu quả không cao (TS Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

-  Tại trang 57, điểm 2.1.1.1 về điều kiện môi trường tự nhiên khu vực xây dựng hạng mục 1, phần nói về Địa hình“Đây là khu vực đã được quy hoạch, có địa hình bằng phẳng, giao thông đi lại thuận tiện…”; ở trang 133, có nêu: toàn bộ diện tích đất xây dựng trạm xử lý nước thải thuộc phạm vi đất được UBND quận Sơn Trà quyết định quy hoạch do vậy không ảnh hướng đến đất thuộc quyền sở hữu cá nhân nên không có hoạt động thu hồi hay đền bù cho các hộ dân. Nhưng phần đề xuất biện pháp lại ghi:“Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng,…. do phải thu hồi đất, đền bù các thiệt hại cho nhân dân…”; …. “Lập Kế hoạch đền bù, giải phóng mặt bằng hợp lý, tiến hành thực hiện tuân thủ đúng quy trình thực hiện công tác đền bù thiệt hại, giải phóng bằng bằng…” Như vậy là mâu thuẩn nhau, báo cáo cần thống nhất cụ thể hiện trạng để giải quyết vấn đề cho chính xác (KTS Huỳnh Phước - PCT Liên hiệp các Hội KHKT thành phố).

- Phần đánh giá hiện trạng cần bổ sung nguyên nhân gây ô nhiễm sát thực tế và cụ thể hơn; các số liệu về lượng nước thải, chất thải và lưu lượng nước mưa sát hơn và soát thật kĩ các nội dự báo tác động đề có đề xuất biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động không mong muốn thật sát (KTS Huỳnh Phước - PCT Liên hiệp các Hội KHKT thành phố).

- Báo cáo cần nghiên cứu kỹ về lượng mưa phải cập nhật cho đến thời điểm mới nhất, vì đây là cơ sở đầu vào để xác định quy mô và kích thước công trình; số liệu thu gom nước thải cần bổ sung các số liệu cho phù hợp và đủ độ tin cậy hơn, hiện tại nội dung báo cáo chưa thể hiện các thông tin về nguy cơ ngập úng hay khả năng tràn công tương ứng với lượng mưa như thế nào trên lưu vực (GS, TS Trần Văn Nam - PCT không chuyên trách UBMT TP).

3. Về các phương án xây dựng các tuyến cống và nâng công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà:

3.1    Đối với hạng mục xây dựng các tuyến cống:

Đối với hạng mục xây dựng các tuyến cống thu gom nước mưa và nước thải theo dạng cống chung như đề xuất, có nhiều ý kiến đồng tình và có 01 ý kiến không đồng tình. Đối với các ý kiến đồng tình thì đề nghị cần làm rõ những ưu điểm của hệ thống cống mới so với hệ thống cống cũ và hoạt động của hệ thống cũ sẽ như thế nào sau khi có hệ thống cống mới, cần làm rõ năng lực thoát nước, phương án thoát nước hiện trạng của các công để làm cơ sở cho thiết kế đầu tư công trình…; ý kiến không đồng ý vì đề nghị triển khai xây dựng hệ thống tổ chức thoát nước riêng, tức là xây dựng hai hệ thống thoát nước riêng biệt: nước thải sinh hoạt, dịch vụ cho thu gom vào một hệ thống đường ống riêng để dẫn về các trạm xử lý, còn nước mưa thì dẫn theo một hệ thống cống riêng để đổ ra biển ở những nơi không dùng cho mục đích du lịch. Cụ thể:

- Khi mưa lớn hoặc mưa dài ngày thì về phía thấp, ở các tuyến cống, luôn luôn xảy ra hiện tượng tràn cống; khi áp lực lớn thì phá tung các cửa xả đã có và tống cả nước thải lẫn nước mưa ra biển như đã thường gặp, gây ô nhiễm biển; Khi không mưa (vào mùa khô) thì lưu lượng trong cống nhỏ (lúc đó chỉ có nước thải), vận tốc dòng chảy trong cống sẽ giảm đi làm cho bùn cặn trong nước thải lắng xuống và các chất hữu cơ bị phân hủy ngay trong cống, tạo ra các loại khí như H2S, C4H4, CO2 v.v... bốc mùi hôi thối lên. Cả hai hiện tượng đó đều không thể chấp nhận được đối với một khu vực dành ưu tiên cho du lịch và tắm biển đối với khu vực phía đông quận Sơn Trà (PGS, TS Trần Cát - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng); Phương án hợp lý nhất là tổ chức thoát nước riêng, tức là xây dựng hai hệ thống thoát nước riêng biệt…. Khi mưa lớn, hệ thống cống riêng dẫn nước mưa không tải được hết thì chấp nhận cho tràn tự do ra ngoài, vì lúc đó nước mưa đã tương đối sạch. Nếu xây dựng được hệ thống cống riêng mới thì hệ thống cống chung đã có sẽ cải tạo lại để dành cho việc thoát nước mưa, khi đó cần bịt hẳn những cửa xả ra các bãi tắm (PGS, TS Trần Cát-Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

- Cần có giải pháp xử lý lượng nước thải cuối đường ống (GS, TS Trần Văn Quang - Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

- Trong thiết kế bài toán cống cần làm rõ là với lưu lượng được xác định từ công thức mưa rào thì việc xác định kích thước được tính toán xác định như thế nào? Loại cống thiết kế là không áp, có áp hay bán áp từ đó mới có thể tính toán xác định đường mực nước trong cống ứng với lưu lượng thiết kế. Qua bảng tính toán phụ lục của tư vấn chỉ tính toán dạng bài toán kiểm tra, tức cho kích thước cống, rồi giả định mực nước H rồi tính toán ra lại lưu lượng Q, sau đó so sánh lại với lưu lượng thoát nước mưa, chưa thật sự hợp lý (TS Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

-  Cần bổ sung mô tả rõ chi tiết các giải pháp thi công của Dự án, chú trọng việc thi công các cống bao dọc các tuyến đường đông dân cư và liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ tại 3 phường phía Đông quận Sơn Trà. Nêu rõ các tuyến đường dự kiến vận chuyển nguyên vật liệu đến khu vực Dự án trên bản đồ quận; Bổ sung mô tả rõ các hạng mục công trình thi công và thể hiện trên rõ cụ thể trên bản vẽ tổng mặt bằng Dự án, cần nêu rõ vai trò, mục đích của các công trình được mô tả và quan hệ với các công trình hiện hữu để nâng cao năng lực thu gom, cũng như xử lý nước thải của toàn hệ thống (bao gồm cả cũ và mới)(TS Huỳnh Ngọc Thạch - Ủy viên Hội BVTN và MT thành phố).

-  Cần làm rõ ưu điểm của hệ thống thoát nước thiết kế mới này, cần xác định tần suất thiết kế để đảm bảo thoát nước cho dự án là bao nhiêu thì từ đó mới xác định lưu lượng nước mưa và quy mô kích thước công trình cống,.. (GS, TS Trần Văn Nam - PCT không chuyên trách UBMT TP)

-  Cần chú ý cao độ cửa vào, cửa ra của hệ thống thoát nước mưa và nước thải để nước không bị đọng khi vận hành, chú ý khẩu độ cống rãnh để đủ nhận và thoát đi khi có nước khu vực khác cộng vào..; cần nghiên cứu kỹ về đường thoát nước thải và nước mưa nếu không công trình làm xong sẽ ít phát huy tác dụng (KTS Trần Dân - Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường thành phố).

3.2 Về hạng mục công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà:

Nội dung này hầu hết các ý kiến đề nghị nâng công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, làm rõ năng lực của Trạm xử lý nước thải, vì Trạm xử lý đang hoạt động hiện nay luôn là điểm nóng ô nhiễm của thành phố, cần phải tính toán đầu tư kỹ và xử lý ngay tránh bị động về sau. Cụ thể:

- Việc nâng công suất của trạm xử lý nước thải này lên là cần thiết, nhưng nâng lên bao nhiêu thì cũng cần phải tính toán. Theo dự báo đã được chấp nhận thì đến năm 2030 lượng nước thải cần xử lý của khu vực này là 86.000m3/ngày, vì vậy đề nghị có tính toán để nâng lên 60.000m3/ngày chứ không phải 40.000m3/ngày như đã đề xuất, như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu cần xử lý. Nếu trước mắt chưa đủ ngân sách thì nên phân kỳ đầu tư và tổ chức xây dựng theo 2 hoặc 3 mô-đun, mỗi mô-đun là 30.000m3/ngày hoặc 20.000m3/ngày, trước mắt xây dựng 01 mô-đun, sau đó tiếp tục các mô-đun tiếp theo. Phải chuẩn bị các điều kiện như quỹ đất, tính toán đường kính các tuyến cống thu gom và cống xả cũng như kích thước các công trình thành phần trong trạm xử lý để phù hợp với nhu cầu cần xử lý ngay từ bây giờ, tránh bị động sau này (PGS, TS Trần Cát- Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

- Về công nghệ xử lý của Trạm này xử lý hiếu khí theo mẻ (SBR) như đề xuất vì có nhiều ưu điểm hơn các loại công nghệ khác như không cần bể điều hòa, không cần các bể lắng đợt 1 và đợt 2, có thể khử được Ni-tơ và Phốtpho trong nước thải và đảm bảo được các tiêu chuẩn sau xử lý theo các quy chuẩn cho phép, đặc biệt là công nghệ xử lý này tiêu tốn năng lượng ít hơn nhiều so với các công nghệ khác. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải căn cứ vào tính chất của nước thải đầu vào ở từng thời điểm khác nhau, tính toán thời gian thích hợp cho các pha của từng mẻ như pha đưa nước vào bể, pha phản ứng, pha lắng, pha gạn chắt nước đã lắng và pha chờ đợi để tiếp nước thải cho các mẻ sau thì mới đạt được hiệu quả (PGS, TS Trần Cát - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

- Hiện nay, mỗi khi trời mưa lớn, nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước biển và môi trường du lịch…; cần bổ sung thêm giải pháp khắc phục tại các cửa xả ra biển để tránh bị sạt lỡ và cải tạo cửa xả theo hướng phù hợp với cảnh quan và hiệu quả trong điều kiện khí hậu ở miền Trung, hiện nay các cửa xả này đều rất hôi, bẩn và mất mỹ quan (GS, TS Trần Văn Nam - PCT không chuyên trách UBMT TP)

-  Cần tự động hóa Trạm xử lý nước thải với công suất cao, cơ giới và tự động hóa, tách cát và rác (GS, TS Trần Văn Quang - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

-   Cần chú trọng nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải hiện tại đã quá tải và lạc hậu. Cần tham vấn cộng đồng về hiện trạng lưu lượng nước thải tại khu vực trên, mức đỉnh lớn nhất là bao nhiêu để dự án có khả năng đáp ứng và tương lưu lượng nước thải tăng theo nhịp độ phát triển dân số và tầng xuất kinh doanh. Khâu dự báo lưu lượng nước thải lớn nhất có thể đạt đến ở khu vực phía đông quận Sơn Trà là điểm mấu chốt nhất của Báo cáo ĐTM. Nên rà soát lại dự báo về khả năng lưu lượng nước thải cao nhất trong khu vực để có phương án đầu tư tương thích (ông Bùi Văn Tiếng - PCT không chuyên trách UBMT TP, Chủ nhiệm Hội đồng TV VH-XH).

- Nguy cơ quá tải không chỉ ở trên bờ mà còn từ ngoài biển. Báo cáo nêu rõ: “Ngoài ra các cửa xả hiện nay đang bị ảnh hưởng của sóng biển, mang theo nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống cống bao, giếng tách gây ách tắc hệ thống cống bao, đồng thời bơm cả nước biển về Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà” (trang 9). Tuy nhiên chưa có kế hoạch khắc phục nhược điểm này trong toàn bộ Dự án. Nếu khắc phục được thì giải pháp “chống chảy ngược” sẽ như thế nào khi tiến hành cải tạo sáu cửa xả trên đường Hoàng Sa, đường Võ Nguyên Giáp và khi triển khai xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước từ trạm xử lý nước thải ra Âu thuyền Thọ Quang? (ông Bùi Văn Tiếng - PCT không chuyên trách UBMT TP, Chủ nhiệm HĐTV VH-XH)

-  Tại phần 3.1.2, Đánh giá tác động trong giai đoạn xây dựng, về tác động đối với môi trường nước, có nội dung:“Đối với nước thải thi công: có hàm lượng chất lơ lững và các chất hữu cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Nước thải từ  quá trình thi công xây dựng như nước rửa nguyên vật liệu, nước cấp cho quá trình khoan kích ngầm, nước vệ sinh máy móc thiết bị có độ pH, hàm lượng chất lơ lững và chất vô cơ cao” (trang 95); phần đề xuất biện pháp phòng ngừa, nêu rất chung, thiếu cụ thể, chưa sát với nội dung dự báo (trang 136); điểm b) nêu biện pháp giảm thiểu tác động của nước thải,… chưa thấy đề cập đến cách xử lý nước vệ sinh máy móc thiết bị có độ pH, hàm lượng chất lơ lững và chất vô cơ cao…. (KTS Huỳnh Phước – PCT Liên hiệp các Hội KHKT TP)

-  Cần bổ sung sơ đồ tính toán thủy lực, trạm bợm của hệ thống; bổ sung kết quả tính toán sự pha loãng chất lượng nước trường hợp mưa và nguồn thải làm cơ sở đánh giá chất lượng nước tại các cửa xả thải (TS Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

4. Về dự báo đánh giá các yếu tố và các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường, ảnh hưởng các các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương:

Đối với nội dung này, các ý kiến đều đề nghị bổ sung những đánh giá, dự báo đầy đủ hơn về việc triển khai dự án có tác động đến khu vực xung quanh: tài nguyên, môi trường, dân cư, hệ thống giao thông, việc kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế của người dân và địa phương,…cụ thể:

 - Phần đánh giá hiện trạng gây ô nhiễm tại khu vực triển khai dự án chưa đầy đủ; nội dung phân tích và rút ra nguyên nhân gây ô nhiễm chưa sát; chưa đánh giá phần về tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên sinh học tại khu vực; chưa đánh giá yếu tố thủy văn cũng như tính chất của nguồn nước tại Âu thuyền Thọ Quang, chưa đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của Âu thuyền, có nên đưa nước thải ra Âu thuyền hay ra sông Hàn (KTS Huỳnh Phước - PCT Liên hiệp các Hội KHKT TP; PGS, TS Trần Cát - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

- Cần bổ sung thêm đánh giá hiện trạng môi trường khu vực dự án và môi trường xung quanh liên quan đến hạng mục để có cơ sở thiết kế một cách đầy đủ hơn. Kết luận của báo cáo ĐTM cần phải khẳng định sau khi đầu tư xây dựng hệ thống, vận hành đúng quy trình sẽ xử lý được ô nhiễm nước (GS, TS Trần Văn Nam - PCT không chuyên trách UBMT TP).

- Tại Chương 3, chương “Đánh giá tác động của dự án đến môi trường”, đối với giai đoạn chuẩn bị tại tiểu mục 3.1.1. Cần bổ sung công tác chuẩn bị mặt bằng cho việc thi công thêm Trạm xử lý nước thải công suất 40.000m3/ngày và các giải pháp bảo vệ môi trường đã thực hiện. Đối với “Giai đoạn xây dựng” tại tiểu mục 3.1.2. cần xem xét tác động của quá trình thi công tại khu vực này đến hoạt động bình thường của Trạm xử lý nước thải hiện hữu; cũng như khi thi công cống bao, trạm bơm đến các hoạt động kinh tế xã hội của người dân, các đối tượng trong khu vực...; xem xét đánh giá kỹ tác động đến giao thông, đường sá khu vực... Cần bổ sung định lượng các nguồn thải được đề cập: bụi, khí thải và tiếng ồn trong hoạt động của dự án. Cần đánh giá kỹ “sự cố ùn tắc giao thông do hoạt động xây dựng đặc biệt hạng mục xây dựng cống bao. Đối với “Giai đoạn dự án đi vào hoạt động” tại tiểu mục 3.1.3. cần xem xét đánh giá hiệu quả thu gom và thuyên giảm các hiện tượng đã nêu của hệ thống thu gom cũ, cũng như hiệu quả xử lý của Trạm xử lý nước thải mới. (TS Huỳnh Ngọc Thạch - Ủy viên Hội BVTN và MT thành phố).

- Nhìn chung các giải pháp đã nêu trong Chương 4 là khá đầy đủ nhưng còn chung chung mang tính nguyên lý, chưa cụ thể. Cần được tổng hợp lại cho cụ thể và sát với thực tế tại các địa bàn thi công, cũng như đặc thù của các hạng mục để nâng cao tính khả thi của các giải pháp đã nêu. Cần quan tâm thêm các giải pháp chống sụp hầm, chống sạt lở đất, chống thấm nước ngầm trong các hố kích và hố nhận (TS Huỳnh Ngọc Thạch; PGS, TS Trần Cát - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng).

-  Trong các yếu tố khách quan sẽ tác động tiêu cực đến lưu lượng nước thải trong khu vực thì lượng mưa tiếp tục tăng chắc chắn chính quyền địa phương khó kiểm soát được, do đây là sản phẩm của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng chính quyền hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng du khách đến cư trú tiếp tục tăng trong khu vực, đảm bảo không để phát sinh vượt ngưỡng tối đa trong dự báo, chẳng hạn có thể cấp quota đón khách cho các khách sạn/nhà hàng trong khu vực, đi đôi với dừng cấp phép xây dựng nhà hàng/khách sạn ở khu vực này. Chủ trương “xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà” nêu trong Nghị quyết 43-NQ/TW không đồng nghĩa với việc tăng thêm nhà hàng khách sạn, nhất là trên bán đảo Sơn Trà - bởi về cơ bản đây vẫn là khu quân sự và quan trọng hơn vẫn là khu bảo tồn thiên nhiên… (ông Bùi Văn Tiếng - PCT không chuyên trách UBMT TP, Chủ nhiệm Hội đồng TV VH-XH).

5.  Một số ý kiến khác:

- Về cơ sở pháp lý: cần rà soát loại bớt các Luật và văn bản dưới luật không phải là cơ sở để lập báo cáo ĐTM mà là cơ sở lập Dự án như Luật đất đai, Luật xây dựng... Bổ sung Thông tư 02/2018/TT-BXD về Bảo vệ môi trường trong công trình xây dựng(TS Huỳnh Ngọc Thạch - Ủy viên Hội BVTN và MT thành phố).

- Cần tách dự án thành 02 hợp phần như hai hạng mục đã nêu trong dự án và mỗi hợp phần có một báo cáo ĐTM riêng để có thể xem xét đánh giá được đầy đủ các vấn đề môi trường có thể xảy ra (PGS, TS Trần Cát - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

- Về cách tiếp cận vấn đề thoát nước: nên xem lại toàn bộ nội dung của Dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà theo cách tiếp cận khác tức là tiếp cận theo quan điểm “Thoát nước bền vững” mà thế giới ngày nay đang nói đến chứ không phải cách tiếp cận như đã làm. (PGS, TS Trần Cát - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

II. NHẬN ĐỊNH

Qua tổng hợp từ các ý kiến được các chuyên gia, hội, đoàn thể gửi đến và các ý kiến tham gia phản biện trực tiếp tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhận định một số nội dung như sau:

- Thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã xây dựng khá nhiều công trình, dự án nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải; tuy nhiên việc đầu tư xây dựng vẫn còn mang tính cục bộ, chắp nối, chưa quy hoạch một cách có hệ thống việc thu gom, tách, xử lý nước thải và nước mưa trên địa bàn thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị của thành phố hiện nay.

- Việc thực hiện Dự án phù hợp với định hướng phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 4418/QĐ-UBND, ngày 03/10/2018 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 Trạm xử lý nước thải quận Sơn Trà.

- Báo cáo ĐTM của dự án đã nêu rõ các nguồn lực cho dự án như tài chính, con người, công nghệ, đất đai,… đủ điều kiện để triển khai dự án; báo cáo cũng chứng minh lợi ích kinh tế - xã hội đạt được sau khi dự án hoàn thành. Các thông tin, cơ sở dữ liệu phân tích đánh giá được cập nhật tương đối đảm bảo cho yêu cầu đánh giá. Trong mỗi chương của báo cáo, đơn vị đã đi sâu đánh giá và dự báo các tác động cho từng giai đoạn, gồm: chuẩn bị dự án, giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành. Nội dung đánh giá từng hạng mục khá chi tiết, đảm bảo độ tin cậy. Dự án dùng công nghệ xử lý nước thải từ hồ kỵ khí kết hợp công nghệ xử lý hiếu khí SBR là phù hợp, nhiều nước phát triển đang áp dụng.

- Mặt trận thành phố tán thành việc xây dựng và triển khai dự án là cần thiết, thậm chí bức thiết để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước thải của Khu vực phía Đông quận Sơn Trà hiện nay, đặc biệt là dự án tác động lớn đến môi trường du lịch của thành phố hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, Báo cáo ĐTM của dự án cần tiếp tục được hoàn thiện ở nhiều nội dung, cần phải sửa đổi, bổ sung khá nhiều số liệu cụ thể và tăng thêm các giải pháp đảm bảo sát thực và phù hợp với điều kiện thời tiết, lượng mưa, lượng du khách, v.v.. trên địa bàn xây dựng dự án một cách toàn diện và những nội dung cần thiết khác nhằm tăng tính khả thi và bền vững của dự án.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở nhận định và những ý kiến phản ảnh tại hội nghị, Mặt trận thành phố thống nhất đề xuất các kiến nghị cụ thể trong khuôn khổ phản biện xã hội đối với báo cáo ĐTM của dự án như sau:

1. Báo cáo ĐTM cần bổ sung cơ sở dữ liệu đầu vào đầy đủ và xem xét phân tích thêm các phương án thiết kế hệ thống thoát ước mưa, nước thải sao cho tối ưu nhất, nhằm tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao.

2. Thống nhất với đề xuất, kiến nghị của một số chuyên gia, nhà khoa học:

2.1 Đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá toàn diện thêm về hạng mục xây dựng các tuyến cống thu gom nước mưa và nước thải theo dạng cống chung (như: khi có sự thay đổi lưu lượng nước theo mùa thì có dẫn đến hiện tượng tràn cống không, có phương án khác được đánh giá bổ sung thay thế; trong thiết kế cống cần làm rõ với lưu lượng được xác định từ công thức mưa rào thì việc xác định kích thước cống được tính toán xác định như thế nào; vloại cống thiết kế; tính toán xác định đường mực nước trong cống ứng với lưu lượng thiết kế,…); đồng thời nghiên cứu bổ sung việc lựa chọn phương án cống chung hay tách biệt 2 hệ thống cng khác nhau.

2.2 Đề nghị nâng công suất Trạm xử lý nước thải Sơn Trà lên 60.000m3/ngày để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải khu vực này đến năm 2030. Cần làm rõ hơn các số liệu dùng để lựa chọn kích thước các hạng mục công trình trong công nghệ xử lý của nhà máy.

2.3 Đề nghị bổ sung các giải pháp thi công của Dự án, chú trọng việc thi công các cống bao dọc các tuyến đường tại 3 phường phía Đông quận Sơn Trà. Nêu rõ các tuyến đường dự kiến vận chuyển nguyên vật liệu đến khu vực Dự án trên bản đồ, chú ý cho việc thi công các cống bao do tuyến dài và qua các khu vực tập trung về du lịch, các vấn đề ảnh hưởng hoạt động du lịch khi triển khai thi công.

2.4 Cần bổ sung bản đồ trạm đo mưa, cơ sở lựa chọn số liệu mưa để tính toán, số liệu mực triều và cơ sở xác định mực nước triều tính toán để làm cơ sở xác định mực nước tại các cửa xả. Cần xác định tần suất thiết kế để đảm bảo thoát nước cho dự án là bao nhiêu thì từ đó xác định ra lượng mưa làm cơ sở để xác định lưu lượng thoát nước mưa và quy mô kích thước công trình cống, trạm bơm v.v…

2.5 Bổ sung sơ đồ tính toán thủy lực, trạm bơm của hệ thống, chạy mô hình thoát nước để tính toán các cấp lưu lượng cũng như khả năng thoát nước của mô hình. Bổ sung kết quả tính toán sự pha loãng chất lượng nước trường hợp mưa và nguồn thải làm cơ sở đánh giá chất lượng nước tại các cửa xả phương án thiết kế các cửa xả ra biển cũng như cửa xả ra Âu Thuyền, nhằm đảm bảo triệt tiêu năng lượng tiêu năng tránh việc xói lỡ các cửa xả.

3. Đề nghị thành phố lưu ý phương án “thoát nước riêng hoàn toàn” để xem xét kỹ về mặt kỹ thuật, tính toán đầy đủ về chi phí bỏ ra và lợi ích thu được của từng phương án để so sánh và chọn lựa phương án tốt nhất cho mục tiêu đề ra.  

Trên đây là Báo cáo tổng hợp ý kiến phản biện, nhận định và một số kiến nghị về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.

  • 1

 

Trực tuyến: 26
Tổng: 12178986

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang