17/05/2019

Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCT UBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; theo đề nghị của UBND thành phố và Sở Xây dựng thành phố về Dự án Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower.

Ngày 07/5/2019, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower.

Hội nghị do bà Đặng Thị Kim Liên - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì. Tham dự hội nghị có ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; đại diện Thường trực HĐND thành phố, địa diện Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP; lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp & PTNT, Giao thông vận tải thành phố; đại diện 4 Hội đồng tư vấn của UBMT thành phố, đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, đại diện lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, đại diện chủ đầu tư 02 dự án: Công ty TNHH Bất động sản và Bến Du thuyền Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Mỹ Phúc; cùng 16 chuyên gia trên các lĩnh vực thủy lợi, quy hoạch, môi trường, văn hóa, lịch sử, giao thông,... Số lượng thành viên dự hội nghị 72 người.

Sau phần trình bày của đại diện hai nhà đầu tư về 02 Dự án, hội nghị đã được nghe 16 ý kiến phát biểu của 16 vị chuyên gia, nhà khoa học, đại diện tổ chức thành viên của Mặt trận (gồm: 10 ý kiến phát biểu bằng văn bản và 06 ý kiến phát biểu trực tiếp không văn bản). Sau phần nêu ý kiến phản biện của các đại biểu, lãnh đạo UBND  và Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố đã trao đổi làm rõ thêm một số ý kiến của các thành viên dự họp.

 Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổng hợp, đánh giá và nhận định về Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower gồm những nội dung sau:

I. NỘI DUNG PHẢN BIỆN

1. Đối với tính pháp lý của các dự án:

Vấn đề này có 04 ý kiến thảo luận, việc tuân thủ theo các quy định pháp luật của doanh nghiệp là khá nghiêm túc; cũng có ý kiến cho rằng việc cấp phép đầu tư thực hiện sớm nhưng chậm triển khai, đã có kết luận của Chính phủ về sai phạm trong việc giao đất và phải bổ sung nghĩa vụ tài chính, đề nghị dừng hẳn dự án vì vi phạm lấn sông. Cụ thể:

- Dự án Marina Complex được thành phố cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2011 và đến năm 2017 đã điều chỉnh quy hoạch 03 lần, cho thấy công tác xét duyệt quy hoạch, thẩm định dự án của thành phố chưa thực hiện tốt; đồng thời, dự án bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có vi phạm trong việc giao đất và đề nghị nhà đầu tư phải bổ sung nghĩa vụ tài chính; hiện nay lại bị thành phố cho tạm dừng để rà soát hồ sơ pháp lý, lấy ý kiến chuyên gia càng cho thấy tính ổn định, bền vững của dự án quá thấp (KTS Bùi Tô Hoài - PCT Hội KH-KT Cầu đường Đà Nẵng).

- Các dự án đã được quy hoạch từ lâu nhưng chậm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo quy hoạch thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 thì không có dự án nào được lấn sông (không có các dự án như cầu Tuyên Sơn, Khu Đảo xanh…). Sau đó, các dự án lấn sông mà thành phố thống nhất cho phép quy hoạch đều được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2005-2012, để đến năm 2013, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch thành phố như một động thái hợp thức hóa các dự án lấn sông. (KTS Hoàng Sừ - Hội Quy hoạch và PTĐT thành phố).

- Thành phố đã có cuộc họp quyết định tạm dừng dự án để rà soát, xem xét lại tính pháp lý và đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 18/3/2019 xác định việc giao đất dự án này có sai phạm, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ”... (ông Trần Văn Thiết - PCT Thường trực Liên hiệp các Hội KH-KT thành phố)

- Dự án là của doanh nghiệp, không phải của cộng đồng; vì vậy thành phố phát triển cần bám sát Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc lấn sông là vi phạm pháp luật, dù cơ quan chính quyền đã cấp giấy phép nhưng cũng xem là vi phạm pháp luật, vì vậy, tất cả dự án lấn sông đều phải dừng (KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam).

2. Đối với vấn đề dòng chảy của sông Hàn và môi trường:

Có 14 ý kiến thảo luận nói về vấn đề dòng chảy sông Hàn và môi trường của thành phố; nhiều ý kiến trái chiều nhau, một số ý kiến nêu quan điểm việc lấn sông làm dự án sẽ làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, sẽ tăng mực nước dâng cao tràn vào hai bên bờ khi có lũ, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và môi trường; tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng hai dự án này ảnh hưởng không đáng kể đến dòng chảy của sông Hàn bằng việc dẫn chiếu và so sánh các số liệu của các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2011, cụ thể:

* Có 05 ý kiến nêu quan điểm việc triển khai thực hiện dự án ven sông này ảnh hưởng không đáng kể đển dòng chảy sông Hàn và môi trường thành phố:

- Dự án được thực hiện ít ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, qua kết quả chạy kiểm tra cho 1 trận lũ năm 2009 thì mực nước gia tăng phía thượng nguồn kè từ 0-0.05m, do đó mức độ tác động dòng chảy khi xét riêng sông Hàn này là không lớn, đã đề xuất phương pháp đánh giá tổng quát cho bài toán tính kè lấn sông, cũng như kiến nghị thành phố xây dựng hành lang thoát lũ để sớm cắm mốc ranh giới, bên cạnh đó đề nghị quan tâm hơn công tác phòng chống lụt bão cho người dân các xã của huyện Hòa Vang (Tiến sĩ Lê Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

- Việc tổng hợp khá đầy đủ các thông số, dữ liệu, trong đó, đặc biệt là đã nghiên cứu kỹ các mốc lũ lịch sử tháng 5-2009 và tháng 11-2010, đã chảy bài toán 1 chiều trên lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn để lấy điều kiện biên cho mô hình 2 chiều và 3 chiều, được mô hình hóa là 2 bờ sông là đê bao cứng (nước không tràn bờ) kết quả cho biết mức tăng mực nước tại khu vực kè dự án Marina Complex là 0,06m; vì vậy, không ảnh hưởng đến dòng chảy và mực nước của sông Hàn trong điều kiện mức lũ tương đồng với năm 1999 và 2013 (GS, Tiến sĩ Phạm Thị Hương Lan - Đại học Thủy Lợi Hà Nội).

- Trên khu vực sông Hàn có rất nhiều công trình lấn sông với quy mô lớn như khu đi bộ ven bờ Tây sông Hàn (đường Bạch Đằng) nên kết luận việc xây dựng hai dự án này làm ảnh hưởng dòng chảy của sông là không chính xác. Công trình gây ảnh hưởng dòng chảy lớn nhất hiện nay trên sông chính là cầu sông Hàn, việc này đã được chứng minh trong quá trình thực tiễn công tác phòng chống bão lụt thành phố (ông Huỳnh Vạn Thắng - Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố).

- Nếu giữ nguyên Dự án thì với lưu lượng nước đổ về như các trận lũ lụt lịch sử thì mức nước sông Hàn sẽ thấp hơn từ 2,7-5 cm so với mực nước lũ năm 1999 và năm 2013, vì dự án san lấp sông nằm phía bên trong bờ kè hiện trạng, không thực hiện san lấp phía đầu kè, do đó giúp nước chảy xuôi dòng, tốc độ thoát nước ra biển sẽ nhanh hơn. Việc thay đổi về tốc độ, thủy lực dòng chảy sau khi san lấp mặt bằng là không đáng kể, chỉ tăng từ 10-20cm/s (PGS, TS Lê Song Giang - Đại học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh).

- Thực tế cho thấy việc ngập lụt theo quy luật tự nhiên, tuy nhiên trong thời gian gần đây việc ngập lụt hầu hết là do thủy điện xả lũ; vì vậy, các dự án ven sông được đánh giá cao và được đưa vào Quy hoạch tổng thể của 2 bờ sông Hàn; nên các dự án này làm ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn là hoàn toàn không xác đáng (ông Huỳnh Việt Thành - Nguyên PGĐ Sở Xây dựng thành phố).

* Có 09 ý kiến nêu quan điểm dự báo các dự án ven sông có ảnh hưởng lớn đến dòng chảy sông Hàn và môi trường thành phố:

- Việc xây dựng bến du thuyền bằng cách lấn sông Hàn sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ sông Hàn và việc ngăn cản dòng chảy mùa lũ, làm dâng mực nước lũ thượng lưu Bến du thuyền, việc mức nước dâng sẽ phụ thuộc vào hình dáng, kích cỡ của khu đất lấn sông (Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

- Vị trí của dự án nằm ở cửa sông Hàn đổ ra biển nên có tác động dòng chảy từ thượng lưu ra biển và từ biển vào. Việc triển khai các dự án lấp sống phải hết sức thận trọng, cần phải nghiên cứu kỹ và tôn trọng quy luật tự nhiên, lưu ý vấn đề thoát nước trong mùa mưa, bồi lấp cửa sông Hàn và gây tác hại không nhỏ đến môi trường thành phố (ông Nguyễn Kim Dũng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố).

- Khi chưa triển khai dự án mà đã có hiện tượng nước sông tràn bờ, gây ngập; do đó, sau khi có dự án thì chắc chắn mực nước sẽ lớn hơn chứ không thể giảm. Hơn nữa, mặt phía Nam của vệt lấn sông của dự án có hình góc vuông cộng với các cầu tàu của công trình bến du thuyền sẽ tạo vật cản nước rất lớn tại khu vực (Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch - Ủy viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường thành phố).

- Sông Hàn được so sánh như động mạch dẫn máu về tim để nuôi cơ thể, có vị trí vô cùng quan trọng về du lịch và môi trường sống của người dân thành phố, nên dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây và sẽ tác động đến môi trường của khu vực là tất yếu (ông Trần Văn Thiết - PCT Thường trực Liên hiệp các Hội KH-KT thành phố).

- Việc làm kè bê tông đã phá đi một đoạn rất dài kè đá thời Pháp, chỉ giữ lại một đoạn sát cột hải đăng nhỏ đã thu hẹp mặt cắt thoát nước của sông phía hạ lưu, nên nội dung “… không ảnh hưởng nhiều đến tình hình thoát lũ của toàn khu vực” như dự án đã báo cáo là không đúng. Đồng thời ý kiến này cho rằng các nghiên cứu đưa ra số liệu đầu vào làm căn cứ để tính toán mức độ tác động của Dự án đến dòng chảy sông Hàn là chưa thống nhất và chưa đầy đủ, cần xem xét ảnh hưởng của Dự án trong điều kiện thời tiết thật sự bất lợi như lũ quét, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ lớn kéo dài nhằm có đánh giá toàn diện hơn (KTS Bùi Tô Hoài - Phó chủ tịch Hội KH-KT Cầu đường Đà Nẵng).

- Các sông trên địa bàn thành phố lúc trước là các dòng sông ngắn và có bờ sông rộng; hiện nay, ngoài các dự án lấn sông tại khu vực trung tâm thành phố như đường Như Nguyệt, dự án Olalani, Marina Complex, còn có 10 dự án lấn sông khác tại phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ; ước tính tổng cộng diện tích lấn sông khoảng 2.000 ha, diện tích này có thể chứa hơn 60.000m3 nước dự trữ, điều phối trong trường hợp xảy ra lũ lớn (KTS Hoàng Sừ - Hội Quy hoạch và PTĐT thành phố).

- Phía cửa sông Hàn ban đầu rộng 700m qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lỡ, ngập úng cục bộ 2 bờ sông (KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch và PTĐT thành phố).

- Sự phát triển đô thị theo thời gian dọc theo sông Hàn sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy lực dòng chảy và các công trình cản trở dòng chảy làm thay đổi địa hình dẫn tới sự phân bố và thay đổi lũ trong mùa mưa sẽ rất khó dự đoán và phòng tránh. Ý kiến này cũng cho rằng Dự án Marina Complex được xây dựng ở đoạn cửa sông, mặc dù diện tích lấp đất đoạn sông trên hiện trạng đê bao có sẳn nhưng việc san lấp che kín mặt cắt sông sẽ làm thu hẹp dòng chảy, tăng tốc độ dòng chảy, có khả năng gây sạc lở cục bộ, làm cho phía thượng lưu và khu vực xung quanh ảnh hưởng do mực nước dâng lên (GS, TS Trần Văn Nam - Nguyên giám đốc Đại học Đà Nẵng).

3. Đối với vấn đề quy hoạch đô thị:

Đối với vấn đề này có 09 ý kiến phát biểu, trong đó các ý kiến xoay quanh về vấn đề quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn phải đảm bảo mặt thẩm mỹ, tầm nhìn thông thoáng, cần xem không gian con sông là tài sản chung của mọi người dân, hạn chế nhà cao tầng sát mặt sông và việc quy hoạch phân khúc manh mún bờ sông; đảm bảo khơi thông lòng sông, tăng diện tích cây xanh, tạo đường tiếp cận mặt sông cho cộng đồng. Cụ thể:

- Việc Quy hoạch liên quan đến dòng sông cần xem không gian con sông là tài sản chung của mọi người dân và chỉ đầu tư các công trình công cộng, hợp lý, vì lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững; không thực hiện những dự án chia lô, xây nhà sát bờ sông, càng không san lấp một phần lòng sông tự nhiên để xây dựng công trình.. (GS, TS Trần Văn Nam - Nguyên giám đốc Đại học Đà Nẵng).

- Hai bờ sông - về phương diện thẩm mỹ - cũng như hai hàm răng, rất cần sự đều đặn, kỵ sự lồi lõm, nhất là đối với những con sông đô thị, bởi việc thò ra thụt vào của các kiến trúc ven sông nếu quá ngưỡng “khểnh” sẽ thành “hô”, làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị; dự án Marina Complex lại ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, càng làm cho mỹ quan đô thị bị tổn thương nghiêm trọng (ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ thành phố).

- Trước “sức nóng” của đô thị hóa, “dải lụa sông Hàn” đã bị nhiều dự án phân khúc manh mún trong tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn. Dự án quy hoạch nhà cao tầng bên bờ sông là không phù hợp, nhà cao tầng phải bố trí từ thấp đến cao theo chiều từ bờ sông vào đất liền; cần tăng cường mảng cây xanh và nên dừng thi công công trình lấn sông; quy hoạch đã sai ngay từ đầu nên dẫn đến việc 4 lần điều chỉnh quy hoạch (KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố).

- Liên quan đến quy hoạch, đại diện cho hội viên nông dân thành phố nêu một loạt các câu hỏi cần làm rõ: giai đoạn 1 có lấp sông không hay giai đoạn 2 mới lấp sông, việc lấn sông Hàn có làm xấu cảnh quan đô thị không? Việc lấp sông Hàn để làm các dự án nhà ở, nhà cao tầng như dự án Marina Complex có đi ngược lại quy luật phát triển tự nhiên không? Có ảnh hưởng đến dòng chảy và gây hệ lụy cho không gian đô thị, cảnh quan môi trường không? (ông Nguyễn Kim Dũng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố)

- Việc thành phố quyết định tạm dừng dự án Marina Complex để rà soát toàn diện các vấn đề về đất đai, quy hoạch và môi trường, vì vậy nên có sự điều chỉnh quy hoạch phù hợp đối với dự án và việc lấn sông cần phải tôn trọng quy luật tự nhiên (ông Trần Văn Thiết - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH-KT thành phố).

- Mặc dù dự án đã qua nhiều lần điều chỉnh với xu hướng cải tạo cảnh quang thân thiện với người dân, nhưng thực sự vẫn chưa có sự đột phá trong quy hoạch và kiến trúc, công trình xây dựng cao tầng khu vực ven sông gây cản trở, hạn chế tầm nhìn, không còn thoáng đãng như hiện trạng; ít không gian công cộng, cây xanh; thiết kế công trình theo phong cách cũ, chưa tạo điểm nhấn cho khu vực bờ Đông Sơn Trà. Hiện nay, thành phố quy hoạch Cảng Tiên Sa sẽ trở thành cảng biển du lịch của thành phố, do đó, cần xem xét cân đối quy hoạch công năng bến du thuyền tại khu vực này (KTS Bùi Tô Hoài - Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng).

- Ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng việc quy hoạch hiện nay cần khơi thông lòng sông để thông lại long mạch cho thành phố, không nên tiếp tục việc lấn và lấp sông. Đơn cử tại sông Cổ Cò đoạn chảy về Non Nước có rất nhiều công trình lấn sông, làm lòng sông bị thu hẹp đáng kể, trong khi sông Cổ Cò có ý nghĩa lịch sử rất lớn, là huyết mạch thông thương Đà Nẵng - Hội An cần phải bảo tồn và duy trì; một ví dụ khác là sông Phú Lộc giờ đã bị thu hẹp thành kênh Phú Lộc với diện tích lòng sông nhỏ và bị ô nhiễm nặng (Giáo sư Nguyễn Hồng Ngọc - Trưởng Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

 - Khi dự án không ảnh hưởng quá lớn đến dòng chảy thì thành phố nên điều chỉnh quy hoạch cảnh quan, kiến trúc của dự án cho phù hợp theo hướng tăng cường mảng xanh, tạo đường tiếp cận bờ sông cho cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp (ông Huỳnh Vạn Thắng - Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố)

- Cần điều chỉnh hình dáng kiến trúc, kỹ thuật tại phía Nam công trình theo hướng phù hợp, thuận dòng chảy; đồng thời, các hạng mục kiến trúc phải lùi vào ít nhất 50m so với mép mặt sông theo quy định, quy hoạch phải đảm bảo cảnh quan cây xanh và mở đường tiếp cận bờ sông cho người dân, tạo không gian thoáng đãng cho khu vực (Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch - Ủy viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng).

4. Đối với vấn đề thu hút đầu tư:

Đối với vấn đề thu hút đầu tư của thành phố có 6 ý kiến nêu quan điểm khá thẳng thắn, thậm chí gay gắt khi xem xét góc độ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của thành phố. Khá nhiều ý kiến chia sẽ với những khó khăn của nhà đầu tư, vì vấn đề “lỗi” không nằm ở doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị thành phố và nhà đầu tư cùng phối hợp tìm cách giải quyết hữu hiệu. Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn mong muốn thành phố phải cân nhắc hết sức cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và vì sự phát triển bền vững của thành phố. Cụ thể:

- Đà Nẵng phát triển luôn vì lợi ích của cộng đồng và bền vững, việc quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với quyết định không cho tiếp tục triển khai dự án. Nếu thành phố quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được giải quyết ra sao, nếu giải quyết không khéo léo “sẽ rơi vào tình trạng giải quyết chỗ “triệt” chỗ “để”; tuy nhiên thành phố không nên ngại khó mà bất chấp dư luận, bất chấp lẽ phải; cần phải chọn phương án xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững (ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ VN thành phố).

- Việc thành phố Đà Nẵng tạm dừng triển khai Dự án để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý của dự án không có nghĩa là đẩy doanh nghiệp vào bế tắc; vì tạm dừng không phải là cấm hẳn hoặc thu hồi dự án mà để làm rõ hơn về mọi vấn đề sau khi có kết quả kiểm tra rà soát hồ sơ và doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư thực hiện dự án (ông Nguyễn Kim Dũng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố).

- Có ý kiến đề xuất: thành phố cần có thái độ ứng xử phù hợp, hài hòa với doanh nghiệp vì phần sai phần lớn thuộc về thành phố, thành phố có cấp phép thì doanh nghiệp mới dám làm; do đó, cần có phương án giải quyết, đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp theo hướng có thể hoán đổi đất hoặc có thể đền bù bằng tiền để lấy lại không gian mặt ven sông phục vụ mục đích công cộng (KTS Hoàng Sừ - Hội Quy hoạch và PTĐT thành phố).

- Khi chính quyền đã phê duyệt quy hoạch thì chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Dân, trước lịch sử, trước các doanh nghiệp, quan trọng là không thể để doanh nghiệp bị thiệt thòi, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật và góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thành phố, vấn đề là không để tình trạng "tiền hậu bất nhất" làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư (ông Nguyễn Đăng Hải - Nguyên PCT Ủy ban MTTQ VN TP).

- Ở góc độ phát triển kinh tế, có ý kiến khá gay gắt: nếu thành phố dừng dự án thì gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà đầu tư và đương nhiên cũng ảnh hưởng đến người dân và nhất là ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư thành phố; trong khi mỗi địa phương cần tìm kiếm nhà đầu tư lớn, chiến lược để tạo thương hiệu cho mình. Thực tế doanh nghiệp khi đầu tư vào dự án để tạo ra của cải vật chất, tạo nguồn thu cho thành phố cũng có nghĩa là phục vụ cho người dân; thành phố cần có cái nhìn đánh giá tổng quan và công bằng, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, ảnh hưởng môi trương đầu tư của thành phố (PGS. TS Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

- Ý kiến khác lại cho rằng thành phố và nhà đầu tư nên cùng nhau phối hợp tìm cách giải quyết tối ưu để xây dựng một tầm nhìn mới, một đồ án quy hoạch tổng thể cân bằng giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư, mặc dù sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc và uy tín. Chính quyền thành phố và nhà đầu tư nên từng bước tháo gỡ khó khăn, cụ thể hóa bằng những giai đoạn trước mắt và trung hạn, biến khu vực ven sông thành công viên cảnh quan kết hợp du lịch thì cảnh quan sông Hàn trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn (KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch và PTĐT thhành phố).

5. Đối với các vấn đề liên quan đến khía cạnh lịch sử - văn hóa - xã hội:

Liên quan đến nội dung này có 05 ý kiến phát biểu, trong đó những vấn đề về lịch sử xây dựng thành phố được nhắc lại, so sánh việc xây dựng kè và hải đăng trên sông Hàn của người Pháp với xây kè lấn sông ngày nay; về sự hưởng thụ không gian công cộng ven sông là quyền lợi chính đáng của cộng đồng xã hội. Cụ thể:

- Đà Nẵng đã từng tự hào xóa được những dãy nhà chồ ven sông để dành chỗ cho không gian công cộng bên sông, dành chỗ cho người dân ngắm sông ngoạn cảnh, càng không phải để biến không gian chung dành cho cả cộng đồng thành không gian riêng tư dành cho một thiểu số người. Bài viết cũng nêu những thành tích của Đà Nẵng trước đây “đã tốn bao công sức và công quỹ” giành lại lối đi xuống biển; nên dự báo “không chừng trong tương lai cũng sẽ phải tốn bao công sức và công quỹ để giành lại mấy lối đi ra bờ sông!” (ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ VN thành phố).

- Việc cho quy hoạch, xây kè lấn sông của các dự án ven sông không được đánh đồng như việc xây dựng 02 bờ đá giăng trên cửa Hàn của người Pháp thời xưa với động cơ trị thủy, cũng như xây dựng 02 ngọn hải đăng của người Pháp là vì an toàn hàng hải cho tàu thuyền trên vịnh[1] (ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ VN TP).   

- Một ý kiến khác cho rằng cần dừng dự án và sử dụng đất theo hướng tăng cường mục đích phục vụ cộng đồng. Nếu bờ sông, bờ biển hình thành dãi công viên, kết nối các điểm du lịch và khu thương mại tầm cỡ, là điểm đến của người dân, du khách trong và ngoài nước thì lúc đó người dân sẽ hiểu được quyền lợi chính đáng của họ chưa bị lãng quên trong công cuộc xây dựng phát triển thành phố (KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch và PTĐT thành phố).

- Có ý kiến lo lắng về sự an toàn của 500 nghìn dân Khu dân cư Mân Quang và làng cá Nại Hiên Đông sau này khi dự án đi vào hoạt động (ông Nguyễn Kim Dũng - PCT Thường trực Hội Nông dân thành phố).

- Một ý kiến khác đề nghị cần có đánh giá tác động tổng thể của các công trình đã xây dựng ven sông cũng như dự kiến thực hiện trong sự phát triển chung kinh tế - xã hội của thành phố; việc thực hiện dự án phải đảm bảo phát triển kinh tế, vừa phải đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và vừa an dân (GS, TS Trần Văn Nam - Nguyên giám đốc Đại học Đà Nẵng).

II. NHẬN ĐỊNH

Hội nghị phản biện xã hội đối với 02 Dự án Bến du thuyền và Olalani được đảm bảo theo quy định của Nghị quyết liên tịch 403 ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: thành phần mời có đầy đủ các chuyên gia chuyên môn sâu các lĩnh vực, có các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, có tiếng nói đại diện cho các tầng lớp nhân dân thành phố; chương trình hội nghị đạt yêu cầu về nội dung và hình thức theo quy định; không khí hội nghị dân chủ, thẳng thắn, chân thành và cầu thị, góp thêm tiếng nói của người dân với lãnh đạo thành phố giúp đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Qua 16 ý kiến phát biểu tại hội nghị, Mặt trận thành phố nhận thấy các ý kiến và bài viết được đầu tư rất nghiêm túc, công phu và có đủ cơ sở khoa học; tất cả các ý kiến và bài viết đều trên tinh thần vì cộng đồng, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và vì sự phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, khá nhiều ý kiến gay gắt đề nghị dừng hẳn dự án để sửa sai, không để ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn và nhu cầu hưởng thụ không gian mặt sông của người dân thành phố; có nhiều ý kiến tán đồng đề nghị cho dự án tiếp tục thực hiện cùng những điều chỉnh về quy hoạch; đáng lưu ý là những ý kiến rất chia sẽ những khó khăn với thành phố và với doanh nghiệp, có đề xuất các giải pháp hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp, giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của cộng đồng, mong muốn các bên tìm được tiếng nói chung sao cho giảm thiểu thiệt hại và phù hợp nhất; trong đó Mặt trận thành phố không thống nhất với đề xuất việc xóa bỏ ngọn hải đăng Thuận Phước (ngọn hải đăng nhỏ) nhằm đảm bảo không cản trở dòng chảy của sông Hàn của 01 chuyên gia ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt trận thành phố nhận thấy: về lâu dài, trên cơ sở lấy ý kiến chung của dư luận, của các nhà khoa học và ngành chức năng, chính quyền thành phố cần rà soát toàn diện hơn nữa các mặt: pháp lý, đánh giá tác động môi trường của dự án và khu vực lân cận, đảm bảo khơi thông dòng chảy, tầm nhìn quy hoạch chiến lược, về chủ trương thu hút đầu tư, các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội được kết hợp đồng bộ… để việc triển khai dự án đảm bảo phù hợp mục tiêu phát triển bền vững, tăng diện tích công cộng, phục vụ nhu cầu cộng đồng đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và thành phố.

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của thành phố xem xét, tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trên tinh thần vì mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt cộng đồng, mở thêm không gian xanh cho thành phố và đảm bảo hài hòa lợi ích với doanh nghiệp.

III. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Qua hội nghị phản biện xã hội đối với 02 dự án ven sông Hàn, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố có những kiến nghị sau:

1. Đề nghị UBND thành phố cần có quy hoạch tổng thể đối với các khu vực ven sông (tất cả sông trên địa bàn thành phố) và ven biển trên cơ sở rà soát toàn diện hơn trên các lĩnh vực môi trường, dòng chảy, mỹ quan đô thị, kiến trúc, tầm nhìn quy hoạch, chủ trương thu hút đầu tư cùng các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội kết hợp đồng bộ… để đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án được thuận lợi và đồng thuận trong nhân dân. Trước mắt, đề nghị thành phố nên kịp thời điều chỉnh các quy hoạch ven sông, ven biển thiếu tầm nhìn, ngắn hạn, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển của thành phố trong thực tiễn và đảm bảo đúng quy định về khoảng cách các hạng mục kiến trúc phải lùi vào ít nhất 50m so với mép mặt sông.

2. Đề nghị thực hiện giám định lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ven sông, có nghiên cứu tổng thể trong một lưu vực lớn lồng ghép với những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây và mực nước biển dâng để trả lời một cách khách quan về tác động của dòng chảy, thoát lũ của sông Hàn công khai cho nhân dân biết.

3. Đề nghị thành phố khẩn trương cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ tại các tuyến sông trên địa bàn thành phố, sớm xây dựng phương án cắm mốc để phục vụ công tác phòng chống lụt bão; làm cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch các dự án ven sông, tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư của thành phố.

4. Trong quá trình triển khai các dự án ven sông hoặc ven biển, đề nghị lãnh đaọ thành phố cần có cơ chế công khai, minh bạch các dự án, đặc biệt chú ý đến việc trưng cầu ý kiến các tầng lớp nhân dân (thông qua phản biện của Mặt trận Tổ quốc) và công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân và nhân dân để việc triển khai thực hiện của thành phố được thuận lợi.

5. Đề nghị đưa việc quy hoạch 2 bên sông Hàn vào Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố;

6. Đối với 02 dự án này, đề nghị thành phố có quyết sách phù hợp, thỏa đáng trên cơ sở đảm bảo môi trường, dòng chảy, hài hòa giữa quyền lợi chính đáng của người dân và lợi ích của doanh nghiệp.

7. Đề nghị UBND thành phố khi xét thấy dự án, dự thảo các chương trình, công trình trên địa bàn có tầm ảnh hưởng và liên quan đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của các tầng lớp nhân dân thì có văn bản đề nghị UBMTTQVN thành phố tổ chức phản biện, tài liệu phản biện phải gửi trước cho các chuyên gia, người phản biện trước 15 ngày (trước ngày hội nghị).

Sau khi nhận được văn bản tổng hợp ý kiến phản biện này của Mặt trận thành phố, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng trả lời các kiến nghị cho Mặt trận thành phố trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, trường hợp đặc biệt kéo dài những không quá 30 ngày. Mặt trận thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và trả lời với các chuyên gia đã tham gia phản biện dự án.

Trên đây là Báo cáo tổng hợp ý kiến phản biện và nhận định, kiến nghị về Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng.

Ban Thường trực

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố


[1] Trên đê chắn sóng ở cửa sông Hàn có 01 ngọn hải đăng Thuận Phước và một ngọn hải đăng Tiên Sa trên đỉnh Sơn Trà. Hải đăng Tiên Sa nhằm định hướng cho tàu thuyền qua lại ngoài biển và ngoài cửa biển, còn hải đăng Thuận Phước thì nhằm định hướng cho tàu thuyền qua lại trong vịnh ở khu vực cửa sông.

 

  • 1

 

Trực tuyến: 47
Tổng: 12198684

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang