12/07/2018
Phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 7, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp lần này, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhận được 221 ý kiến cử tri phản ánh qua các tổ chức thành viên và Mặt trận các cấp về nhiều vấn đề nóng của thành phố hiện tại như: tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, Khu Công nghiệp Liên chiểu, 2 nhà máy Thép DaNa Úc - DaNa Ý; về dự án treo hoặc chậm tiến độ; vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; an toàn tại các khu chung cư nhà ở xã hội; tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè; việc mở các lối đi xuống biển; vấn đề xây dựng trái phép, không phép… Tất cả các vấn đề trên, cử tri thành phố đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng giải quyết thấu đáo và nghiêm túc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên
Nhanh chóng khắc phục tình trạng xuống cấp, mất an toàn của các chung cư nhà ở xã hội; khẩn trương giải tỏa, di dời dân các khu tập thể xuống cấp ở trung tâm thành phố
Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều chung cư nhà ở xã hội xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa như chung cư Làng cá, chung cư 12T, chung cư Blue house ở quận Sơn Trà; 08 lốc chung cư đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Hải Châu…Thực trạng này gây lo lắng, bất an cho các hộ dân khi nguồn nước sinh hoạt của chung cư bị ô nhiễm; nhà ở bị dột, thấm khi trời mưa; cầu thang không an toàn; đặc biệt là hệ thống báo cháy, chữa cháy trang bị sơ sài, lối thoát hiểm bị lấn chiếm và che khuất. Được biết từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5 vụ cháy chung cư nhà ở xã hội. Đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương có giải pháp cụ thể và quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân trong các chung cư nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng đùn đẩy, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những kiến nghị của các hộ dân nơi đây.
Ở trung tâm thành phố thuộc địa bàn quận Hải Châu hiện còn 36 khu nhà ở, nhà tập thể xuống cấp rất nghiêm trọng, có khu nhà “tuổi thọ” đã trên dưới 100 năm. Các căn hộ có diện tích từ 10 đến 30m2, điều kiện sinh hoạt thấp kém và mất an toàn. Qua theo dõi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hoan nghênh UBND thành phố đã kịp thời có chủ trương giải tỏa và di dời các hộ dân sống trong các khu nhà tập thể xuống cấp. Đồng thời, đề nghị chính quyền thành phố có giải pháp xử lý nhất quán, công bằng theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp nguyện vọng của người dân.
Khắc phục tình trạng quy hoạch treo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tiến độ giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư
Qua giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhận thấy quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân ở các vùng dự án quy hoạch treo và dự án chậm tiến độ bị xâm hại, sống trong tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”: không được chuyển nhượng đất, không được tách khẩu, không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, cơ sở hạ tầng thấp kém, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Có dự án đã treo 20 năm nay như Làng Đại học Đà Nẵng; nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài do phải liên tục bổ sung quy hoạch như kênh thoát lũ Hòa Liên, mương Khe Cạn Cẩm Lệ, khu dân cư Phần Lăng 3 Thanh Khê, Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, các khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4, Tà Lang-Giàn Bí-Phò Nam Hòa Bắc... khiến cho nhân dân vô cùng mệt mỏi và bức xúc. Bên cạnh đó, việc xử lý hồ sơ đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các chi nhánh trực thuộc còn quá nhiều vướng mắc, bất cập, có hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực khi kiểm định, áp giá đền bù nhà đất của người dân trong diện giải tỏa.
Đề nghị chính quyền thành phố sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các chi nhánh trực thuộc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư các dự án. Ngoài ra, việc quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Vang cần phải xem xét đến yếu tố văn hóa, truyền thống sinh hoạt và lao động của đồng bào, tránh việc quy hoạch khu tái định cư nhà ống liền kề, thiếu không gian sinh hoạt văn hóa đang dần làm mai một bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Hòa Vang.
Đầu tư và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Chưa khi nào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay khi mà mỗi ngày các báo, đài, mạng xã hội thường đăng thông tin về thực phẩm bẩn, các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các cấp chính quyền thành phố tập trung quản lý, kiểm tra, thanh tra; Mặt trận và các đoàn thể tích cực giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân “nói không với thực phẩm bẩn”, các cơ sở sản xuất kinh doanh cam kết không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trong cả nước được thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa được giải quyết thường xuyên, nghiêm túc, triệt để; nên vấn đề này vẫn còn là nỗi lo của người dân thành phố và du khách.
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 70 chợ truyền thống, đa số cơ sở hạ tầng xuống cấp không đảm bảo điều kiện kinh doanh, có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chợ sạch đang là đòi hỏi, là yêu cầu cấp bách của người dân, đề nghị các cấp chính quyền thành phố cần đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống nhằm đảm bảo điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn. Mặt khác, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thức ăn đường phố, nhất là các cơ sở kinh doanh trà sữa, một loại thức uống đang rất được giới trẻ và học sinh ưa thích.
Quy hoạch và thu hút đầu tư
Lãnh đạo thành phố đang tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố, gắn với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cử tri và nhân dân mong muốn việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phải trên cơ sở một quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được điều chỉnh theo hướng bền vững; tránh tình trạng quy hoạch chạy theo đầu tư, không đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng với lợi ích của nhà đầu tư, không đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giữ vững quốc phòng - an ninh, với bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Khắc phục bất cập của việc quy hoạch phát triển du lịch dải ven biển Đà Nẵng, chính quyền thành phố đang triển khai mở các lối đi xuống biển. Sẽ là niềm vui và sự cảm kích của người dân thành phố nếu như các nhà đầu tư chủ động bàn bạc cùng chính quyền thành phố tạo sự thông thoáng, không chia cắt bãi biển Đà Nẵng, để người dân địa phương và du khách đều có cơ hội thụ hưởng không gian biển tuyệt đẹp của Đà Nẵng.
Hiền Nguyễn