18/05/2018
Sáng 18/5, nhằm chuẩn bị chu đáo cho các nội dung chất vấn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển nền kinh tế - xã hội quốc gia trong năm 2018 tại Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tham vấn từ các vị nguyên lãnh đạo thành phố và các chuyên gia trên các lĩnh vực. Cuộc họp do ông Nguyễn Bá Sơn - Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố chủ trì.

Tại cuộc họp, các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố và các chuyên gia đầu ngành đã phát biểu nhiều vấn đề còn hạn chế trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó nhấn mạnh về chống thất thu ngân sách; vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát nguồn tài chính từ bên ngoài chảy về Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, phải dự lường nguy cơ khủng hoảng tài chính trong nước và khu vực; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây hoang mang lo lắng trong nhân dân; đạo đức xã hội đang có chiều hướng xuống cấp đáng báo động; việc tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các cơ quan bộ, ngành Trung ương chưa thực sự rõ nét…
Đối với các giải pháp phát triển kinh tế, các đại biểu cho rằng Chính phủ nên siết chặt chi tiêu của các cơ quan Nhà nước, nhất là trong mua sắm, tuy nhiên không nên cắt giảm đầu tư công, vì cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0; việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ quá thấp, không tận dụng hiệu quả từ nguồn vốn này để đầu tư các công trình phục vụ dân sinh; vấn đề khởi nghiệp chưa thiết thực, chưa được phân định rạch ròi giữa khởi nghiệp và phát triển số lượng doanh nghiệp, cần tạo cơ chế và điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển trong giai đoạn khó khăn,...
Đối với phát triển văn hoá thì các đại biểu cho rằng, hiện nay hoạt động lễ hội đang diễn ra tràn lan, thiếu biện pháp quản lý hiệu quả, thậm chí phản cảm, thiếu văn hoá; lĩnh vực giáo dục đổi mới chưa rõ nét, việc tham gia của xã hội trong đổi mới toàn diện giáo dục ở mức độ nào, nhận thức của xã hội về vấn đề này chưa cao, việc phát triển các trường đào tạo nghề, nhất là giữa 02 Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội còn nhiều chồng chéo, sinh ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, vấn đề thiếu cơ sở pháp lý cho việc tự chủ của các trường Đại học công lập gây ra nhiều bất cập; vấn đề đạo đức xã hội đang đi ngược lại với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Vấn đề thượng tôn pháp luật còn hạn chế trong thực tiễn, vấn đề biển đông cần tuyên truyền và thông báo rộng rãi trong nhân dân, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đăng tin xấu chưa được khắc phục,...
Ngoài ra, các thành viên dự họp cũng đề xuất các giải pháp căn cơ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước trong thời gian đến và nhiều nội dung chất vấn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành đất nước.
Trần Thị Mẫn