14/05/2019

 Chiều 13-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) của Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà, nhằm lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều của các chuyên gia, Hội đồng tư vấn, của các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, giúp hoàn thiện DTM của dự án. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng chủ trì hội nghị.

Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà có phạm vi nghiên cứu 498ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ và An Hải Bắc, quận Sơn Trà, với ranh giới phía Bắc giới hạn bởi đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Tấn Thiện, Lê Văn Lương; phía Nam giới hạn bởi đường Phạm Văn Đồng, Lý Thánh Tông; phía Đông giới hạn bởi đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp; phía Tây giới hạn bởi đường Ngô Quyền.

Hội nghị phản biện xã hội đối với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà

Theo khảo sát của đơn vị lập báo cáo, Công ty CP Công nghệ Biển Xanh, hiện trạng hệ thống thoát nước của khu vực là hệ thống thoát nước chung, toàn bộ nước mưa và nước thải thoát chung trong một hệ thống cống thoát nước và ở tại vị trí các cửa xả được xây dựng các giếng tách dòng và các tuyến cống bao để thu gom nước thải đưa về trạm xử lý nước thải Sơn Trà.

Tuy nhiên, hệ thống cống bao giếng tách hiện nay bị quá tải nên nước thải thường xuyên tràn ra biển vào các giờ cao điểm và khi mưa thì gần như toàn bộ nước mưa (hòa lẫn nước thải) thoát ra biển qua 6 cửa xả, gây ô nhiễm và mất mỹ quan cho các khu vực bãi tắm. Ngoài ra, các cửa xả hiện nay đang bị ảnh hưởng của sóng biển, mang theo nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống cống bao, giếng tách, gây tắc hệ thống cống bao, đồng thời bơm cả nước biển về trạm xử lý nước thải Sơn Trà.

Do đó, mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống cống bao và trạm bơm nước mưa, nước thải đảm bảo thu gom 2,5 lần lưu lượng nước thải trung bình (2,5Qtb) về trạm xử lý nước thải Sơn Trà và bơm thoát nước mưa về Âu Thuyền Thọ Quang, hạn chế các trận mưa có cường độ mưa tính toán I ≤ 10mm/h tràn ra biển, để bảo vệ môi trường biển phía Đông. Đồng thời, xây dựng trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) có công suất xử lý khi không có mưa là Qtb=40.000m3/ngày và khi có mưa là 2,5Qtb để đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải của khu vực đến năm 2030; cải tạo các cửa xả ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống thoát nước.

Đại diện đơn vị lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà trình bày báo cáo tại hội nghị

Dự án được đầu tư sẽ hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, xử lý nước thải phía Đông thành phố, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đem lại không khí trong lành cho cộng đồng, giải tỏa bức xúc của người dân sinh sống trong khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án, trong quá trình thi công xây dựng, nguồn ô nhiễm liên quan đến chất thải có khả năng xảy ra bao gồm: bụi, khí thải trong quá trình thi công; nước thải, rác thải sinh hoạt; mùi hôi từ nước thải; nước thải, chất thải rắn xây dựng và nước mưa chảy tràn; bùn thải. Nguồn ô nhiễm không liên quan đến chất thải trong quá trình thi công là tiếng ồn; mức độ rung; cản trở giao thông; ảnh hưởng cuộc sống xã hội, địa phương; nước mưa chảy tràn gây ngập úng cục bộ. Ngoài ra, còn có khả năng xảy ra các rủi ro và sự cố trong quá trình thi công như tai nạn lao động; ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân trực tiếp trên công trường; sự cố cháy nổ; tai nạn giao thông... Đối với giai đoạn vận hành dự án, nguồn gây tác động và các sự cố có khả năng xảy bao gồm: mùi hôi từ các hố ga, cửa xả, trạm xử lý; rác thải, bùn cặn thải, bao bì đựng hoá chất; bụi, khí thải; nước thải, chất thải rắn sinh hoạt.

Bằng các giải pháp về công nghệ, giải pháp về quản lý, tổ chức thực hiện dự án, chủ dự án cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa các tác động cũng như sự cố phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Nêu quan điểm tại hội nghị, ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, cho rằng, dựa trên nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu, số liệu… dùng để thực hiện tính toán phục vụ dự án, kết quả phân tích, tính toán đánh giá tác động môi trường của dự án là có cơ sở khoa học và thực tiễn. 

DTM của dự án đã đặt ra và giải đáp được 3 câu hỏi mấu chốt: tại sao phải tiến hành xây dựng dự án; các nguồn lực cho dự án như tài chính, con người, công nghệ, đất đai; làm thế nào để dự án được thực hiện tốt nhất (trước khi thi công, trong giai đoạn thi công và giai đoạn vận hành), tránh những sai lầm vi phạm thường xảy ra trong các dự án tượng tự. Ngoài ra, báo cáo còn tiến hành nghiên cứu khách quan và tham vấn ý kiến các đối tượng trong xã hội, nhất là cộng đồng dân cư các phường chịu tác động trực tiếp của dự án như phường Mân Thái, phường Thọ Quang, phường Phước Mỹ.

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, tham gia ý kiến tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, dự án dùng công nghệ xử lý nước thải từ hồ kỵ khí kết hợp công nghệ xử lý hiếu khí SBR là phù hợp, nhiều nước phát triển đang áp dụng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ SBR có yêu cầu vận hành phúc tạp, người vận hành phải có trình độ; lập trình hệ thống điều khiển tự động khó khăn; hệ thống thổi khí dễ bị tắc do bùn.

Ngoài ra, điều kiện để xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học là nguồn nước thải đầu vào không được chứa các độc chất, muối của các kim loại nặng hoặc có thể chứa các tạp chất trên nhưng nồng độ các chất này không vượt quá chỉ tiêu nồng độ cho phép để không gây ảnh hưởng cho hệ vi sinh hoạt động. 

Do vậy, ở phần đánh giá giai đoạn vận hành, đơn vị lập báo cáo cần lưu ý những mặt hạn chế này để có giải pháp khắc phục. Đồng thời, ông Huỳnh Phước cũng đề nghị rà soát chặt chẽ các dự báo tác động để có đề xuất biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động không mong muốn thật sát hợp cụ thể; cụ thể như, báo cáo chưa đề cập đến cách xử lý nước vệ sinh máy móc thiết bị có độ pH, hàm lượng chất lơ lửng và chất vô cơ cao.

Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cho rằng, báo cáo cần mô tả rõ các hạng mục công trình thi công và thể hiện cụ thể trên bản vẽ tổng mặt bằng dự án. Đặc biệt, cần nêu rõ vai trò, mục đích của các công trình được mô tả và quan hệ với các công trình hiện hữu để nâng cao năng lực thu gom, cũng như xử lý nước thải của toàn hệ thống, bao gồm cả cũ và mới.

Đồng thời, cần giải trình cụ thể các vấn đề cần giải quyết của dự án để đạt được các mục tiêu cụ thể; mô tả rõ chi tiết các giải pháp thi công, chú trọng việc thi công các cống bao dọc các tuyến đường đông đúc và nhộn nhịp tại 3 phường phía Đông quận Sơn Trà; cần bổ sung định lượng các nguồn thải được đề cập như bụi, khí thải và tiếng ồn trong hoạt động của dự án, đánh giá kỹ “sự cố ùn tắc giao thông” do hoạt động xây dựng, nhất là hạng mục xây dựng cống bao. Đối với giai đoạn dự án đi vào hoạt động, theo ông Huỳnh Ngọc Thạch, cần xem xét đánh giá hiệu quả thu gom và thuyên giảm các hạn chế hệ thống thu gom cũ, cũng như hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý nước thải mới. 

Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, tham gia ý kiến tại hội nghị

Theo TS. Lê Hùng (Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng), DTM của dự án chưa trình bày các số liệu thủy văn sử dụng để tính toán như bản đồ mạng lưới trạm đo mưa, cơ sở lựa chọn số liệu mưa cho khu vực dự án, số liệu mưa phục vụ tính toán, các kết quả tính toán… để làm cơ sở đánh giá các giải pháp và nguy cơ. Bên cạnh đó, số liệu lượng mưa phục vụ tính toán từ năm 1999-2008 dùng để phân tích, lựa chọn tính toán thiết kế là khá cũ, cần cập nhật số liệu cho đến thời điểm hiện tại.

Hồ sơ thiết kế cũng chưa làm rõ năng lực thoát nước, phương án thoát nước hiện trạng của các cống để làm cơ sở thiết kế đầu tư công trình; cần xác định tần suất thiết kế để đảm bảo thoát nước cho dự án là bao nhiêu thì từ đó xác định ra lượng mưa làm cơ sở để xác định lưu lượng thoát nước mưa và quy mô kích thước công trình cống, trạm bơm. TS. Hùng cho rằng, kết quả thiết kế chỉ chịu được cường độ mưa tính toán I ≤ 10mm/h là quá nhỏ, điều này sẽ dẫn tới khả năng có trận mưa là nước sẽ chảy ra biển, dẫn đến việc đầu tư chi phí lớn nhưng hiệu quả không được cao.

Các ý kiến tham gia tại hội nghị đều thống nhất việc đầu dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà là vô cùng cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân khu vực. Vì vậy, DTM của dự án cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố khoa học và xã hội, nhằm đảm bảo dự án được triển khai và vận hành có hiệu quả, góp phần đem lại môi trường sống trong lành cho người dân, trả lại vẻ đẹp nổi tiếng vốn có của bãi biển Đà Nẵng.

Tam Thanh

 

Trực tuyến: 28
Tổng: 12285100

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang