16/10/2018
Chín tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên hưởng ứng cuộc vận động qua thái độ ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm.
Mặt trận các cấp đã tổ chức 1.221 buổi tuyên truyền, phát động ở khu dân cư về Cuộc vận động. Tổ chức “Phiên chợ hàng Việt” trên địa bàn các phường nhằm vận động mua sắm các sản phẩm truyền thống của địa phương, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại khu dân cư và khu Công nghiệp, vận động nhân dân tham gia vào các mô hình sản xuất, hợp tác xã; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sản xuất có chất lượng cao trên địa bàn để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm...
Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố đã sản xuất và phát sóng 30 phóng sự, hơn 60 tin tập trung, 03 chương trình toạ đàm phản ánh các hoạt động liên quan đến Cuộc vận động.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tích hợp, lồng ghép giáo dục cho học sinh về ý nghĩa của việc dùng hàng Việt Nam; vận động học sinh hưởng ứng ủng hộ hàng Việt; giáo dục học sinh tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, từng bước hình thành thói quen, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng; ưu tiên dùng hàng Việt khi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, tập vở, cặp sách, quần áo học sinh…trong nhà trường.
Ngành Công thương phối hợp tổ chức thành công các hội chợ như: Triển lãm Quốc tế Xây dựng Vietbuild Đà Nẵng năm 2018; Hội chợ Xuân 2018 với sự tham gia của hơn 500 lượt đơn vị, doanh nghiệp với hơn 1.000 gian hàng. Tổ chức Phiên chợ bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân, nhân dịp Tết Nguyên đán 2018 tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh với sự tham gia của 35 doanh nghiệp trên tổng số 40 gian hàng. Tổ chức 02 phiên chợ Hàng Việt phục vụ nhân dân các xã miền núi, khu đông dân cư và công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tổ chức 03 phiên chợ bán hàng phục vụ công nhân tại khu công nghiệp Đà Nẵng và nông thôn Hòa Vang, Đà Nẵng.
Tổ chức 03 đoàn tham gia các Hội chợ triển lãm trong nước như Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018 và Hội nghị kết nối cung cầu, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc, Hội chợ Quốc tế Thương mại tại An Giang, Tổ chức đoàn 09 doanh nghiệp tham gia Hội chợ hàng hóa OPOP tỉnh Savannakhet (Lào). Tham gia chương trình giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Kyushu Nhật Bản và Thái Lan. Tiếp tục tổ chức hỗ trợ hình thành các quầy hàng Việt tại quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm hàng Việt, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng 2018 với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp trên cả nước, các doanh nghiệp đã ký kết 13 cặp biên bản ghi nhớ với các sản phẩm cung ứng, tiêu thụ là các đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến, dệt may, sản phẩm da giày, hàng lưu niệm, rau củ quả.
Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, đã kiểm tra 4.778 vụ, xử lý 3.669 vụ, tổng thu 9.910.122.070 đồng. Trong đó: thu xử phạt 9.540.704.750 đồng, thu bán hàng tịch thu 369.417.320 đồng. Tổ chức đánh giá thẩm định kết quả xây dựng chợ văn minh thương mại và phối hợp các quận, huyện tổ chức đánh giá chợ do UBND quận, huyện quản lý. Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện thí điểm dán tem kiểm soát thực phẩm đối với sản phẩm không bao gói sẵn đang tiêu thụ tại chợ Hàn thuộc Đề án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố”. Rà soát các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm của thành phố đang tiêu thụ tại chợ Hàn.
Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành 04 cuộc kiểm tra tại 15 cơ sở, trong đó: 07 cơ sở kinh doanh thiết bị điện, 01 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, 03 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, 03 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn. Tiếp nhận và giải quyết 161 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Qua công tác kiểm tra đã thực hiện ngăn ngừa các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Thực hiện công tác thanh, kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường và trong sản xuất đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực được xã hội quan tâm như đo lường và chất lượng xăng dầu, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường và thanh tra đột xuất theo phản ánh của công dân… đồng thời kết hợp tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đảm bảo tuân thủ theo pháp luật của nhà nước.
Tiến hành 06 cuộc thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, thanh tra đột xuất theo phản ánh của công dân tại 48 cơ sở (24 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 05 cơ sở điện, điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em; 04 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn; 07 cơ sở sản xuất và kinh doanh thép; 08 cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ). Các cơ sở đều tuân thủ các quy định của pháp luật, đối với trường hợp thanh tra đột xuất theo phản ánh của công dân, qua thanh tra, cơ sở kinh doanh xăng dầu không bán thiếu xăng cho công dân như phản ánh.
Hỗ trợ 02 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ với tổng kinh phí là 920 triệu đồng và hỗ trợ 01 doanh nghiệp theo Dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đến năm 2020 với kinh phí 40 triệu đồng; tổ chức khảo sát và tư vấn cho 02 công ty khởi nghiệp về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 05 tổ chức kinh tế tập thể thuộc UBND huyện Hòa Vang, góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, truyền thống tại địa phương.
Trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Theo sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân, nhất là các thời điểm Lễ, Tết; tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng Việt, bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại như tổ chức Hội chợ EWEC 2018, Hội chợ hàng Việt; Chương trình Tự hào hàng Việt; các “Phiên chợ hàng Việt”, “Hàng Việt về nông thôn”; tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tại thành phố. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách của thành phố nhằm nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt chú trọng đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Tăng cường công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực được giao quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và bảo vệ sản phẩm uy tín, chất lượng được sản xuất trong nước. Tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phạm Phú Bình