30/01/2015
Phát hiện, xử lý gần 207.000 vụ vi phạm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tại hội nghị, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các địa bàn thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An… Hàng hoá vi phạm chủ yếu là ma tuý, pháo nổ, đồ chơi bạo lực, rượu, bia, thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh, xe đạp điện, động vật hoang dã, thực phẩm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, hàng tiêu dùng các loại… Trong những tháng cuối năm, đối phó với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các vùng xa xôi, hẻo lánh, trước đây không phải là địa bàn trọng điểm; thay đổi tuyến vận chuyển hàng lậu từ đường bộ chuyển qua đường hàng không, đường biển; tập trung lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hoá trao đổi của cư dân biên giới...
Được thành lập từ tháng 3/2014, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã khẩn trương thành lập cơ quan thường trực giúp việc tại 12 Bộ, ngành chức năng và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh việc tham mưu, đề xuất Chính phủ các văn bản pháp luật, chương trình hành động, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã thành lập các tổ kiểm tra tình hình thực tế về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội và các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ; đây là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo 389 tiến hành chỉ đạo triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu lớn, như vụ bắt giữ trên 60 tấn dược liệu Trung Quốc, vụ bắt giữ 4 xe ô tô vận tải vận chuyển trái phép khoảng 100 tấn hàng lậu tại Lạng Sơn; vụ bắt 120 tấn hàng lậu tại Móng Cái, Quảng Ninh, vụ bắt giữ 52.000 bao thuốc lá lậu tại Long An…
Tại các địa phương, các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức đấu tranh, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm; kết quả đã phát hiện, xử lý gần 207.000 vụ, tăng 12,11% so với năm 2013, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 13.042 tỷ đồng, tăng 27%; khởi tố hơn 2000 vụ án hình sự với gần 2.300 đối tượng.

Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Riêng tại Đà Nẵng, trong năm 2014, các ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 7.700 vụ, tăng 13% so với cùng kỳ 2013; thu nộp ngân sách hơn 164 tỷ đồng, tăng 26,8% và tịch thu nhiều mặt hàng với trị giá ước tính gần 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số vụ việc vi phạm. Đối với các vụ đã khởi tố thì chủ yếu liên quan đến ma tuý, hàng cấm, rất ít vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, tội trốn thuế… Nguyên nhân chủ yếu là do việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn, hầu hết các vụ bắt được, các chủ hàng hoá, những người vận chuyển vất bỏ hàng chạy thoát thân, hoặc từ chối nhận hàng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa có sự kết nối tốt dẫn đến nguy cơ có thể bỏ lọt tội phạm.
Đề nghị xử phạt mức cao nhất để tăng tính răn đe
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia biểu dương những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo 389 của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Mặc dù mới chỉ được thành lập trong một thời gian ngắn nhưng đã thể hiện được tính hiệu quả thông qua việc hàng loạt vụ hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại bị bắt giữ, trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với lượng hàng hoá lớn; truy thu, thu nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động năm 2015, các giải pháp cụ thể để triển khai công việc hiệu quả, đồng bộ. Các địa phương phải thể hiện được sự quyết liệt, “tuyên chiến” với hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, không khoan nhượng với loại tội phạm này; đồng thời phải “làm sạch” đội ngũ cán bộ, kiên quyết loại ngay các cán bộ biến chất, móc nối với các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái… Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đề cao trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Nơi nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái diễn ra liên tục, công khai, số lượng lớn thì phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái; trong đó ưu tiên đề xuất phương án xử phạt hành chính ở mức cao nhất đối với hành vi vi phạm lĩnh vực này để các ngành chức năng có căn cứ xử lý nghiêm, có tính răn đe mạnh mẽ hơn; tăng cường sự ràng buộc, quy định cụ thể về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý, các đơn vị chức năng trong công tác này; xây dựng cơ chế, bố trí kinh phí hoạt động cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các chính sách khác có liên quan... Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cũng cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống buôn lậu, đặc biệt là giữa Việt Nam và các nước có đường biên giới chung, các nước trong khối ASEAN…
Trước mắt, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Mùi, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt các hành vi buôn bán pháo nổ, rượu, bia, sản phẩm gia súc, gia cầm và các loại thực phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Ngành Công Thương tiến hành kiểm tra, nắm vững nhu cầu của thị trường để bảo đảm cân bằng cung, cầu, không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng thiết yếu trong dịp tết.
NGỌC THỦY