10/11/2013


 DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn vay 

  Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2012, trên địa bàn thành phố có 12.544 DNNVV đang hoạt động (chiếm 98% tổng số DN trên địa bàn), với tổng vốn đăng ký 63.878 tỷ đồng. Trong đó, đa số là các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ ( DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm đa số 65,05%, vốn từ 1-10 tỷ đồng chiếm 31,25%) . Vai trò của các DNNVV đối với nền kinh tế thành phố ngày càng cao thông qua tỷ lệ giá trị đóng góp ngày càng tăng (từ mức 36,1% năm 2005 tăng lên 57% năm 2012) và giải quyết việc làm mới hàng năm trên 90%.
 
 Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với các DNNVV rất khó khăn do không có tài sản thế chấp. Thực tế, không ít DN đang hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp nên đành hoạt động cầm chừng, mất cơ hội phát triển; khá nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản; một số dự án sản xuất mới, nâng công suất dự kiến đầu tư của DN do khó khăn về vốn đã bị tạm ngừng hoặc không thể triển khai thêm; không phát huy được tính tích cực đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
 
 Giải pháp tích cực
 
 Xác định tầm qua trọng của khối DNNVV trong nền kinh tế, căn cứ Kế hoạch phát triển DNNVV và các văn bản của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ DNNVV (Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg), UBND thành phố đang tích cực xúc tiến việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV với mục tiêu giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn phục vụ SXKD, không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây được coi là một giải pháp cần thiết giúp tháo gỡ phần nào khó khăn về nguồn vốn cho DN, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH thành phố.
 
 Quỹ Bảo lãnh tín dụng là một định chế tài chính, một cơ chế hữu hiệu nhằm huy động sức đóng góp của xã hội vào việc hỗ trợ DN, đồng thời cũng là sự thể hiện sự quan tâm tích cực của nhà nước đối với các DN. Nhưng cũng cần hiểu đúng thực chất về hoạt động chủ yếu của Quỹ này là phát hành các chứng thư bảo lãnh, cam kết với các tổ chức tín dung để cho vay đối với các DN khi được xác nhận là có phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng thanh toán khoản vay chứ không phải là việc cho vay như các tổ chức tín dụng khác. Như vậy, thực tế chỉ có các DN quá khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay khi không có tài sản thế chấp hoặc bảo đảm thì mới cần đến sự hỗ trợ của Quỹ này. Mặt tích cực còn được thể hiện ở điểm, các thành viên góp vốn cho Quỹ cũng được ưu tiên để bảo lãnh và nhận bảo lãnh cho mình và các đơn vị trong hiệp hội của mình hoặc các đối tượng khác có liên quan để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bênh cạnh đó, Quỹ cũng có thể cho vay đối với một số doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khó khăn, nhưng đây chỉ là hoạt động phụ nhằm bảo toàn và phát triển vốn.
 
 Theo dự kiến, ban đầu, vốn điều lệ của Quỹ sẽ được ngân sách thành phố cấp 30 tỷ đồng cùng sự huy động đóng góp thêm của các Hiệp hội DN và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố và được ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố quản lý tạm thời. Dự kiến trong năm 2014 sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp của các tổ chức hiệp hội để đạt mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng vào năm 2015, khi ấy Quỹ sẽ được tách ra hoạt động độc lập với các thành viên quản lý được bố trí theo cơ cấu tỷ lệ vốn góp.
 
 Phát huy nội lực của Doanh nghiệp
 
 Không phải đến bây giờ, khi Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành mới giúp cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Thực tế, nhiều khi nguồn vốn của các ngân hàng nhiều, lãi suất cho vay được hỗ trợ, nhưng DN không thể tiếp cận vì không có tài sản thế chấp, không có các phương án kinh doanh khả thi. Theo bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, người phụ trách theo dõi khối DN cho biết, thực tế các DN NVV trên địa bàn thành phố hoạt động rất manh mún, nhỏ lẻ. Dù nhiều lần tổ chức tập huấn, tuyên truyền động viên, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cũng như các phương án kinh doanh hiệu quả làm cơ sở cho việc vay vốn, tuy nhiên chỉ có rất ít DN cung cấp được những dự án đầu tư khả thi. Do vậy, nhiều DN than phiền về sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay nhưng bản thân DN không có gì thể chứng minh và bảo đảm được tính hợp pháp và khả thi khi sử dụng nguồn vốn đó.
 
 Xuất phát từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương đã yêu cầu Quỹ Bảo lãnh tính dụng cần có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục và pháp lý trong việc xây dựng dự án, phương án SXKD hiệu quả, vừa để giúp họ vay vốn tín dụng, vừa là cơ sở để Quỹ có thể bảo lãnh giúp họ vượt khó khăn.
 
 Với sự hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng, các DNNVV có thêm một lực đẩy, một “giá đỡ an toàn” hỗ trợ cho SXKD nhưng không thể chủ quan, ỷ lại trông chờ hết vào sự hỗ trợ này mà làm sai nguyên tắc, kinh doanh trái với mục đích, đạo lý hoặc lơ là quản lý …dẫn đến thiệt hại cho nhà nước và xã hội.  

LÊ HOA

 

  • 1

 

Trực tuyến: 37
Tổng: 12289181

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang