02/10/2013
 |
Tạm giữ lô hàng giả nhãn hiệu Việt Tiến trên đường Lê Duẩn. |
Hàng giả, hàng nhái gia tăng
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng đã xử lý 63 vụ kinh doanh vi phạm về giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, xâm phạm quyền và sở hữu trí tuệ, phạt tiền trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, đã tịch thu 529 đĩa ca nhạc, 288 đồng hồ các loại, 25 kính đeo mắt giả nhãn hiệu Rayban, 108 áo ngực nữ, 158 phụ tùng Honda các loại, 158 ví nữ, dây nịt, túi xách Gucci, 129 bình dầu nhớt Honda, 26 máy tăng âm và loa Arirang, 14 đôi giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas. Chi cục cũng đã xử lý 9 vụ vi phạm trong kinh doanh đối với hành vi hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng với số tiền gần 84 triệu đồng. Riêng trong quý 3-2013, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện tổng số 1.060 vụ vi phạm các loại như hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phạt tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Giữa tháng 9, các đội QLTT kiểm tra, phát hiện 15 cửa hàng kinh doanh giả nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có nhãn hiệu của Công ty may Việt Tiến. Chi cục tạm giữ 1.444 áo, 230 quần với tổng trị giá 586 triệu đồng. Chi cục QLTT thành phố cho hay: Qua việc tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thành viên trong Ban Chỉ đạo 127 thành phố, mỗi năm số vụ xử lý vi phạm hành chính và số thu xử phạt đều tăng. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thị trường đang diễn biễn hết sức phức tạp.
Đại diện nhà phân phối độc quyền máy tính bỏ túi Casio Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: Hiện nay trên thị trường Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm bán hàng giả máy tính Casio. Các điểm bán này rất tinh vi và cảnh giác khi khách hàng hỏi mua thì họ vẫn tỏ ra nghi ngờ sợ QLTT kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, họ vẫn tìm nhiều cách để bán cho được hàng giả vì lợi nhuận rất cao.
Tính từ năm 2005 đến nay, với sự phối hợp của nhà cung cấp sản phẩm, Chi cục QLTT thành phố kiểm tra, xử lý 43 vụ vi phạm, tịch thu 1.968 máy tính Casio giả, phạt hành chính gần 50 triệu đồng và đã tiêu hủy hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. Hiện nay, những sản phẩm có thương hiệu lớn trong và ngoài nước đa số bị làm giả, làm nhái như mực máy in HP, áo sơ mi Việt Tiến, máy in Canon, chi tiết phụ tùng xe Honda, bột ngọt Aone, Ajinomoto, rượu Vokka Hà Nội, rượu Chivas…
Doanh nghiệp sợ tai tiếng?
Mặc dù đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, thế nhưng sản phẩm may mặc Viettien của Công ty may Việt Tiến vẫn bị làm giả, làm nhái và bày bán tràn lan trên thị trường. Nói đến thực trạng hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái, không ít DN có tâm lý e dè khi phối hợp với cơ quan chức năng mà chủ yếu tự tìm cách xử lý. Có đại diện nhà sản xuất còn phát biểu với báo chí rằng “nêu thực trạng hàng giả, hàng nhái là con dao hai lưỡi đối với DN”.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Khi kiểm tra, kiểm soát thị trường và phát hiện có dấu hiệu làm giả, làm nhái các sản phẩm, chúng tôi đều thông báo cho các DN để phối hợp. Song một số DN lại nói “thôi vụ đó nhỏ quá, đừng làm” vì sợ uy tín bị sụt giảm. Tuy vậy, với chức năng nhiệm vụ của Chi cục, chúng tôi vẫn làm. Chỉ có điều thủ tục xử lý mất nhiều thời gian vì phải thu thập đủ chứng cứ, trong khi đó lực lượng QLTT mỏng, muốn có thông tin hàng giả phải bám sát cơ sở.
Bên cạnh đó, phương tiện trang bị để đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái còn bất cập, nếu không có sự phối hợp và phản ánh thông tin kịp thời từ DN và người tiêu dùng thì khó xử lý triệt để…”. Rõ ràng, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái không chỉ dựa vào lực lượng QLTT mà phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị, nhất là DN có sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Vì sản phẩm của DN thì DN phải biết rõ hơn ai hết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 127/TP Phùng Tấn Viết đã nhiều lần chỉ đạo các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm soát thị trường, làm tốt công tác tuyên truyền; đồng thời áp dụng các mức xử lý mới theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH (Báo ĐN)