12/02/2020
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/QĐ-MTTQ ngày 08 / 7/ 2019 của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố )
Chương I
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN, BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ
Điều 1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
1. Thảo luận về tình hình và kết quả thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động thời gian qua; quyết định chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thời gian tới;
2. Hiệp thương dân chủ cử, bổ sung, thay thế hoặc cho thôi các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
3. Xét, quyết định công nhận và cho thôi làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố;
4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
5. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và tham gia công tác bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
6. Ra lời kêu gọi nhân dân thành phố hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự kiện quan trọng khi cần thiết;
7. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
2. Tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm, sáu tháng của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các chủ trương công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam thành phố;
3. Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
5. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện;
6. Xem xét công nhận việc cử, bổ sung hoặc thay thế chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện;
7. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy giúp việc cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
8. Giữ mối quan hệ phối hợp công tác với cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên;
9. Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện hoạt động của các hội đồng tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
10. Ban hành các văn bản và kiểm tra thực hiện theo thẩm quyền;
11. Xét, quyết định khen thưởng, đề nghị kỷ luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA ỦY VIÊN ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ
Điều 3. Trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
1. Tham gia đầy đủ các hội nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, nếu vắng mặt phải thông báo lý do nhưng không được vắng hai kỳ họp trong một năm; nghiên cứu đóng góp ý kiến xây dựng các nghị quyết của Ủy ban. Định kỳ 3 tháng một lần báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm với Ban Thường trực. Tham gia các hoạt động khi được mời và góp ý các văn bản khi được yêu cầu. Phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, động viên, đoàn kết nhân dân nơi cư trú và công tác để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động. Lắng nghe, tập hợp, phản ánh tình hình, ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
2. Ủy viên là cán bộ chủ chốt của Mặt trận quận, huyện có nhiệm vụ cùng tập thể Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp mình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội nghị Ủy ban, các quyết định của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; phát hiện, đề xuất với Ban Thường trực những nhân tố, mô hình mới và kinh nghiệm tốt về tổ chức và hoạt động của Mặt trận ở địa phương.
3. Ủy viên là người đại diện tổ chức thành viên chịu trách nhiệm trước Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về việc thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động ở đơn vị, tổ chức mình. Cụ thể:
a. Thực hiện Điều lệ và Chương trình hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
b. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ủy viên tập hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, nhân dân và thông báo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của tổ chức, đơn vị mình gửi đến Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố;
c. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật, thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
d. Vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia công tác Mặt trận;
đ. Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ những tổ chức, cá nhân chưa gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng có tinh thần hưởng ứng, ủng hộ, thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. .
Điều 4. Quyền hạn của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
1. Thảo luận, chất vấn, đánh giá, kiến nghị về tổ chức và hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
2. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân và tổ chức thành viên;
3. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì hiệp thương với các thành viên có liên quan thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động theo sáng kiến của cá nhân và tổ chức thành viên.
4. Được mời tham gia thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến lĩnh vực công tác; đề xuất các nội dung về chương trình công tác và chính sách cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
5. Được mời dự hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi mình cư trú;
6. Được cung cấp thông tin về hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Chương III
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.
Điều 6. Chế độ làm việc của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
1. Định kỳ sáu tháng một lần Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiến hành hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động thời gian qua; bàn chủ trương, nội dung và giải pháp thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động thời gian đến, nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thông báo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
2. Trường hợp cần thiết, Ban Thường trực sẽ triệu tập hội nghị Ủy ban bất thường, hội nghị mở rộng hoặc chuyên đề.
3. Trong các kỳ hội nghị, các Ủy viên đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi cho Ban Thường trực, những ý kiến khác nhau được thảo luận trước khi biểu quyết. Các nghị quyết của Ủy ban phải được trên ½ số Ủy viên dự họp đồng ý thông qua.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kiểm điểm rút kinh nghiệm thực hiện Quy chế và sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp./.