Theo đó, từ 17h-19h ngày 26-7, tại Công viên phía Tây cầu Rồng (đối diện với Bảo tàng điêu khắc Chăm).sẽ diễn ra sự kiện đồng diễn Yoga 2020 "Chào mặt trời" với sự tham gia của hơn 1.200 người. Chương trình do Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng phối hợp với các Trung tâm Yoga trên địa bàn và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ tổ chức, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về luyện tập thể dục thể thao trong cộng đồng và giá trị của Yoga trong đời sống. Thông qua bộ môn Yoga, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng với nhân dân Ấn Độ.
Tham dự chương trình có Ngài Pranay Verma, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, Tiến sỹ G.B Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekamanda (VSCC), bà Kiranmai Bonala - Giáo viên múa kiêm Nghệ sỹ trình diễn Kuchipudi.

Hơn 1.200 người tham gia đồng diễn Yoga bên bờ sông Hàn
Do tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trong thời gian qua nên Ban Tổ chức Chương trình Đồng diễn Yoga đã thống nhất chọn tháng 7 để tổ chức sự kiện với một chủ đề vô cùng ý nghĩa đó là “Khởi Đầu mới”. Với ý nghĩa đó, Ban Tổ chức chương trình đồng diễn Yoga gửi đến quý vị thông điệp “Thành phố Đà Nẵng cùng nhau đồng hành, xây dựng một khởi đầu mới cho một cuộc sống khỏe mạnh, an lạc và hài hòa”.
Nhằm tăng cường sự hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa Ấn Độ; 8h30 ngày 25-7 tại Nhà thiếu nhi Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình hướng dẫn, trao đổi về múa cổ điển Ấn Độ Kuchipudi; tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng lúc 15h ngày 25-7 sẽ diễn ra Chương trinh Giao lưu – Trao đổi “Thơ Tagore và văn hóa Ấn Độ”, với các hoạt động giao lưu, trao đổi về văn hóa Ấn Độ; tặng sách, giới thiệu các tập thơ Bầy Chim Lạc, Mùa Hái Quả, Người Thoáng Hiện của nhà thơ Rabindranath Tagore.
Dịp này, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.sẽ tổ chức hoạt động trao đổi thông tin về “Văn hoá Chăm và những giá trị văn minh Ấn Độ” (8h ngày 26-7). Qua đó, giới thiệu nền văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ không chỉ thể hiện ở các di tích kiến trúc, điêu khắc Phật giáo và kiến trúc điêu khắc Champa mà còn được bảo tồn trong đời sống hàng ngày của cộng đồng đồng bào Chăm ở Việt Nam ngày nay.
CÔNG TÂM