29/08/2022
Vừa qua, tại Hội thảo “Đổi mới công tác truyền thông trong phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em” do Hội Từ thiện & bảo vệ Quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức; Hội Luật gia thành phố đã có bài tham luận với chủ đề “Công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em góp phần phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em”.

Hội Luật gia thành phố đã xác định trợ giúp pháp lý cho trẻ em đặc biệt là trẻ em gái xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Với quan điểm trợ giúp pháp lý cho trẻ em không chỉ giúp trẻ em giải quyết các vụ việc cụ thể mà còn giúp trẻ em nâng cao hiểu biết pháp luật, qua đó góp phần trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh dự, sức khỏe của mình. Vì vậy, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em là vấn đề được quan tâm thực hiện, các cấp, các ngành đã nhận thức về công tác trẻ em ngày càng một nâng cao, các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn.
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, các cấp Hội đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử người thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn am hiểu tâm lý trẻ em vì sau sự việc xảy ra, nhiều em bị tổn thương tâm lý, sợ người lạ, bản thân một số em thiểu năng trí tuệ, trầm cảm dẫn đến việc tìm hiểu nội dung sự việc, lấy lời khai khó khăn. Nhờ vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại của các cấp Hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được các tình tiết khách quan của vụ án và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật bằng các hình thức tư vấn pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều đối tượng đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Trung tâm tư vấn pháp luật đã cử 07 Luật gia tham gia công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Ngoài ra, hằng năm các tư vấn viên, báo cáo viên pháp luật… của Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia thành phố được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… tổ chức, Tập huấn về “ Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực gia đình”, về “Trợ giúp pháp lý thân thiện với người chưa thành niên”… , tham dự Hội thảo “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực với trẻ em”, “Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)”… Tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên là hoạt động rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho đội ngũ tư vấn pháp luật của Trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, công tác trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là các cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được đầy đủ về hoạt động bảo vệ trẻ em nên việc phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em chưa thường xuyên, thiếu sự chủ động, người dân vẫn chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, dẫn đến việc thực hiện quyền của trẻ em trong một số trường hợp còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có cả người thân của trẻ em chưa thật quan tâm, chưa hiểu biết về pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với cơ quan, tổ chức có liên quan, kể cả tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra, gia đình không tố giác hoặc thời gian tố giác quá muộn nên việc tiếp cận với các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại có thời điểm chưa kịp thời. Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại thường do người trợ giúp là nữ, nên ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn phải am hiểu tâm lý trẻ em. Trong khi đó, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý là nữ của thành phố còn ít, nên công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, việc tăng cường trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên là hoạt động mang ý nghĩa hết sức quan trọng để trẻ em, người chưa thành niên hiểu biết về chính sách trợ giúp pháp lý cũng như nắm được quyền và nghĩa vụ của mình khi được tư vấn pháp luật miễn phí, góp phần vào việc trẻ em, người chưa thành niên tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian đến, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền trẻ em đặc biệt là trẻ em bị xâm hại.
Hội Luật gia thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, trong đó tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là những trường hợp có trẻ em bị xâm hại được biết và tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng để được trợ giúp pháp lý kịp thời. Ðồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan, các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, để phát hiện, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Thiết lập cơ chế ứng phó hoặc phản ứng nhanh giữa các cơ quan, đặc biệt là những cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ quan tố tụng với các tổ chức trợ giúp pháp lý, nhằm có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân trong vụ việc xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em.
Đồng thời, Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ tư vấn pháp luật; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại; thu hút lực lượng cán bộ tư vấn pháp luật có kinh nghiệm đặc biệt là nữ tham gia tố tụng để đáp ứng kịp thời công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại một các kịp thời và có hiệu quả.
Công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thông qua các chương trình trợ giúp pháp lý, trẻ em và người chưa thành niên được tiếp cận với các chính sách pháp luật và dịch vụ pháp lý từ đó nâng cao hiểu biết về pháp luật, giúp cho trẻ em và người chưa thành niên chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em trong thời gian đến./.
Thủy Tiên