29/05/2018
Từ lâu, nhắc đến bán đảo Sơn Trà, người ta sẽ nghĩ ngay đến cây đa di sản, đến đồi Vọng cảnh, đỉnh Bàn cờ, Trạm radar hay chùa Linh Ứng… Và trên những cung đường quanh co chân núi ấy, là những mảng xanh của rừng và biển, là nơi hội tụ cảnh sắc thiên nhiên với các loài động thực vật phong phú, thuộc vào hàng quý hiếm…
 |
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở Sơn Trà đã mê hoặc Paul, du khách dến từ Úc. Ảnh: Phạm Phùng |
Đến Sơn Trà, ngắm thiên nhiên hoang dã
Chị Nguyễn Thị Diệu Nguyên (1972) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội vào Đà Nẵng theo lời mời của người bạn thời niên thiếu. Ngay buổi sáng đầu tiên lưu trú tại đây, chị cùng bạn đón bình minh trên bán đảo Sơn Trà. Không khí trong lành cùng thiên nhiên tươi đẹp đã hút hồn chị.
Gặp chúng tôi trên núi Sơn Trà, chị vui vẻ nói: “Đón bình minh dưới tán rừng Sơn Trà, nhấm nháp ly cà-phê thơm nức mang theo từ phố, ngắm hoa lá chim muông… thật sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị với tôi. Lên Sơn Trà ngắm thiên nhiên thôi đã đẹp và cái đẹp đó đến từ việc tản bộ dưới tán rừng, đạp xe rong ruổi qua những cung đường, ngồi trên mỏm đá ngắm nhìn bờ biển, sóng mắt reo vui khi nhìn thấy một bông hoa dại hay một mảng rừng thay lá”.
Rất nhiều người chọn đến với Sơn Trà theo cách tự khám phá, tự trải nghiệm mà không thông qua đơn vị du lịch nào để được thong thả thư giãn, nhìn ngắm thiên nhiên tươi đẹp. Đến từ Úc, ông Paul chia sẻ mình bị Sơn Trà mê hoặc ngay lần đầu đặt chân lên bán đảo.
Với niềm đam mê khó tả, ông vẫn thường đạp xe lên Sơn Trà với màu vẽ, giá đỡ cùng cây cọ, chép lại những góc nhìn về cảnh sắc thiên nhiên. Lần khác, người ta thấy Paul lên Sơn Trà với máy ảnh và lỉnh kỉnh ống kính dài, ngắn để chụp voọc, chim muông. Gần 80 tuổi, Paul cho biết thiên nhiên Sơn Trà là lý do chính khiến ông lưu lại Đà Nẵng nhiều ngày qua.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch, mỗi ngày có hơn 1.000 lượt khách đặt chân lên bán đảo Sơn Trà, phần lớn chọn cung đường vòng quanh bán đảo theo hướng chùa Linh Ứng để đến Bảo tàng Đồng Đình, thăm thú chùa chiền, cây đa di sản hoặc tắm biển, thưởng thức hải sản dưới những bãi Rạng, bãi Đá Đen…
Nguyễn Minh Hùng, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Đà Nẵng, cho biết anh thường xuyên nhận tour khách lẻ, khách nhóm đi bán đảo Sơn Trà bằng xe đạp, xe máy. “Hầu hết họ là những nhóm bạn trẻ muốn thăm thú, khám phá cảnh quan thiên nhiên Sơn Trà. Nhiều bạn yêu cầu đi xuyên rừng để trải nghiệm cảm giác chinh phục tự nhiên và tìm ngắm những đa dạng sinh học phong phú mọc tại đây”, Hùng nói.
Cũng theo Nguyễn Minh Hùng, điểm hấp dẫn nhất khi du lịch Sơn Trà là vẻ đẹp sinh thái hoàn toàn tự nhiên, nếu giữ được thì đây là điều tuyệt vời nhất cho ngành du lịch. Anh cho biết, nhiều du khách thích thú khi được thả bộ, đạp xe, đắm mình giữa khu rừng nguyên sinh, một bên là triền hoa, một bên là bờ núi.
Khi ấy, đứng trên đỉnh núi, hình ảnh phố phường xa xa ẩn hiện như một điểm tựa tinh thần khiến họ tiếp tục khám phá mà không sợ lạc bước trong rừng.
Sơn Trà được ví von là thủ phủ của các loài hoa rừng. Anh Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho các loại hoa lan, hoa trang, nguyệt quế, dẻ, dâu rừng, đa, dầu lá bóng, chò chai, trâm trường, gụ, ngọc quý phát triển.
Chúng mọc tự nhiên, đan xen dưới những tảng đá, tán rừng khiến mọi cảnh vật trở nên vô cùng quyến rũ. Ngoài ra, những thảm thực vật mọc tốt tươi trên bán đảo cũng tạo nên những bức tranh đầy màu sắc cho khu rừng.
Lên Sơn Trà vào dịp đầu tháng 5, du khách có thể bị mê hoặc bởi sắc tím của hoa sim chen trong sắc xanh của lá rừng dọc dài dặm đường. Đặc biệt có một vạt sim (khoảng 30 mét thuộc Tiểu khu 63, đồi 530), được trồng thí điểm từ năm 2016. Anh Vũ khẳng định, đây cũng chính là những giá trị cốt lõi làm nên một Sơn Trà hút chân du khách.
Hướng đến du lịch có trách nhiệm
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), cho biết hiện nay, các tour đưa khách lên bán đảo Sơn Trà hạn chế vì địa chỉ này vẫn còn nhiều cái thiếu về khâu dịch vụ như nhà vệ sinh công cộng, trạm xe trung chuyển, dịch vụ ăn uống dọc đường, các điểm dừng chân có mái che để du khách nghỉ ngơi…
Do đó, tài nguyên du lịch có nhưng cách khai thác hiện nay vẫn chưa thật sự hiệu quả, còn manh mún, nhỏ lẻ. “Dù doanh nghiệp có quảng bá tốt đến đâu nhưng nếu điểm đến vẫn thiếu những khâu dịch vụ cơ bản thì cũng rất khó đưa được đoàn khách đến”, chị Liên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vitours, cho rằng khi chưa được tuyên truyền bài bản, có chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ cụ thể, có trách nhiệm thì các đơn vị du lịch chưa thể tự tin đưa vào khai thác mạnh mẽ các tour Sơn Trà.
Đơn cử, làm thế nào để vừa khai thác hiệu quả du lịch, vừa bảo tồn được khu rừng nguyên sinh và môi trường sống của các loài động thực vật là một điều cần được cân nhắc cẩn trọng. Cũng theo ông Tùng, chỉ nên giao Sơn Trà cho một đơn vị du lịch khai thác và bảo tồn theo hướng phát triển bền vững, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, mạnh ai nấy hoạt động, xé lẻ Sơn Trà theo nhiều hướng khai thác khác nhau.
Sơn Trà hiện nay vẫn thiếu những biển hiệu, biển báo, biển chỉ dẫn chi tiết cho du khách tham quan. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng dịch vụ cho điểm đến, ngành du lịch cần xúc tiến quảng bá nhiều hơn cho bán đảo Sơn Trà, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo đảm yếu tố khai thác bền vững về lâu dài.
Anh Bùi Văn Tuấn, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, người có nhiều nghiên cứu về đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà, mong muốn Đà Nẵng lắp đặt các trạm gác chắn ở 3 cổng đi vào bán đảo Sơn Trà để tăng cường giám sát hoạt động của du khách; đồng thời, kiểm soát thời gian lưu trú và quy định các khu vực được phép lưu trú để kiểm soát được các đối tượng lợi dụng du lịch vào rừng săn bắn động vật.
“Thời gian qua, lượng khách lên Sơn Trà khá đông nhưng không được kiểm soát chặt chẽ khiến khách tự do để lại rác thải, thức ăn thừa, đốt lửa, nấu nướng, chạy xe quá nhanh trong khu vực có động vật chạy qua đường dễ gây tai nạn…”, anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Bùi Văn Tuấn, cần nâng tầm khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà lên thành công viên, vườn dạo quốc gia để vừa phát triển du lịch, vừa bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời nghiên cứu, phát triển các mô hình du lịch sinh thái thân thiện với thiên nhiên như tour ngắm voọc, đi bộ dưới tán rừng, xem chim chóc muông thú, du lịch kết hợp giáo dục trải nghiệm thực tiễn cho học sinh các trường Đà Nẵng và các vùng lân cận.
Từ đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 2163/QĐ-TTg “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” phát triển bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia, hướng đến xây dựng nơi này trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của vùng duyên hải Nam Trung bộ, là điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón trên 4,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 4.300 tỷ đồng. Khi trở thành khu du lịch quốc gia, Sơn Trà sẽ góp phần tạo ra trên 2.800 việc làm cho lao động trực tiếp đến năm 2030.
|
TIỂU YẾN (Theo BDN)