10/10/2017

 Nếu ai đã từng đến Đà Nẵng cách đây khoảng 15 năm, và có dịp quay trở lại Đà Nẵng những năm gần đây thì mới cảm nhận được sự thay da, đổi thịt toàn diện của thành phố này. 

Cảnh một góc chợ Hàn ngày xưa.

Chúng ta không nên so sánh Đà Nẵng với các thành phố lớn khác của cả nước như TP.HCM hay Hà Nội, bởi bề dày lịch sử phát triển của mỗi thành phố không tương đồng với nhau để so sánh. Chúng ta chỉ nên so sánh Đà Nẵng của hôm nay với Đà Nẵng của hôm qua để nhìn thấy được sự phát triển toàn diện mà người dân Đà Nẵng cảm thấy xứng đáng để tự hào.

Đà Nẵng đã và đang làm được điều đó, trước hết phải khẳng định là do Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để đổi mới hơn rất nhiều so với TP.HCM hay Hà Nội: đất rộng, người chưa đông.

Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của những người làm lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Điều kiện thuận lợi mà lãnh đạo không có tâm, có tài thì Đà Nẵng cũng không thể nào được như ngày hôm nay.

Ý tưởng thành phố “5 không” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không giết người để cướp của, không người nghiện ma túy trong cộng đồng) được khởi xướng, ông Nguyễn Bá Thanh nhiều lần lấy ý kiến HĐND, các nhà nghiên cứu rồi đưa ra mục tiêu vừa phấn đấu, vừa điều chỉnh cho phù hợp. Khi đề ra mục tiêu “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị) thì “5 không” vẫn được duy trì.

Vạch ra đường lối để thực hiện đến cùng, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh không bao giờ hài lòng với những gì mình làm. Khi Đà Nẵng được công nhận là một trong 20 thành phố “sạch nhất thế giới”, ông Thanh phát biểu trước kỳ họp HĐND rằng “chưa thấy sướng lắm”, bởi thành phố còn nhiều điểm ô nhiễm. Khi Đà Nẵng được bình chọn là "thành phố đáng sống", ông Thanh bảo, ai khen chứ bản thân ông chưa hài lòng khi cuộc sống người dân chưa yên với nạn trộm cắp, nghiện ma túy. “Đó không chỉ là tâm huyết mà còn là trí tuệ của người lãnh đạo”.

Ngoài chiếc cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi, nhiều thập kỷ trước năm 2000, Đà Nẵng chưa có nổi chiếc cầu thứ hai bắc qua sông Hàn, khiến quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn kém phát triển đến mức người dân phải đi đò sang đường Phan Đình Phùng (quận Hải Châu) để đi học, đi chợ còn bảo nhau rằng…đi sang Đà Nẵng. Dân gian truyền tai “con gái quận 3 không bằng bà già quận Nhất” để so sánh về sự chênh lệch mức sống.

Vượt qua nhiều ý kiến bàn lui, ông Thanh quyết định làm cầu quay. Vị Chủ tịch thành phố lúc ấy trực tiếp huy động người dân đóng góp, trẻ em đi học nhịn tiền ăn sáng, cụ già bớt ăn trầu. Cầu làm xong, hai năm sau những xóm nhà tạm bợ trên sông được xóa bỏ. Đường Trần Hưng Đạo bên bờ đông được mở, thành phố cấp cho mỗi hộ dân giải tỏa một lô đất tái định cư. “Chiếc áo cũ” dần được lột bỏ.

Thương hiệu “Đà Nẵng” được kiên trì gầy dựng với quyết tâm chính trị rất cao trong cả quá trình dài suốt mấy chục năm, gom góp tích tụ biết bao công sức của các thế hệ người Đà Nẵng - từ những người lãnh đạo thành phố có tầm nhìn sâu vào quá khứ và tầm nhìn xa về tương lai, cho đến những thường dân lam lũ làm ăn một nắng, hai sương.

Đây cũng là kết quả của sức mạnh đoàn kết trong bản thân hệ thống chính trị ở địa phương và quan trọng hơn là kết quả của sức mạnh đồng thuận giữa người dân với Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Không phải nơi nào cũng có thực tế đầy thuyết phục như Đà Nẵng để có thể tổng kết được một nhận định thấm đẫm sức mạnh này: “Đảng nói - dân tin, Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo, Chính quyền làm - dân ủng hộ”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà khi yêu cầu Đà Nẵng xem xét lại chủ trương đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở rằng cần “phải tạo sự đồng tình của nhân dân”...

Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng có được một diện mạo đô thị ngày càng hiện đại và ngày càng có ký ức, có bản sắc riêng, không trở thành một đô thị “nhân bản vô tính”.

Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng được vinh danh là thành phố của những cây cầu, là địa phương nhiều năm dẫn đầu chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông... Nhờ sức mạnh đoàn kết nội bộ và sức mạnh đồng thuận của lòng dân mà Đà Nẵng khởi xướng và thực hiện có kết quả đáng kể một số chương trình an dân như Thành phố “5 không”, “3 có”, và mới đây là “Thành phố 4 an” - cách người Đà Nẵng tự giới hạn phạm vi của một mục tiêu mang tính chiến lược và toàn diện hơn nhiều là “Thành phố an bình” vào 4 lĩnh vực cụ thể: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.

Có thể dễ dàng nhận ra sự kết nối liền mạch giữa các chương trình an dân này. Chẳng hạn khi đề ra cái “An” thứ nhất trong chương trình “Thành phố 4 an” là an ninh trật tự, người Đà Nẵng đã kế thừa mục tiêu “Không có giết người để cướp của” trong chương trình Thành phố "5 không” khởi sự từ năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Cho nên mục tiêu an ninh trật tự trong tầm nhìn của chương trình “Thành phố 4 an” không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu đảm bảo “Không có giết người để cướp của” - dẫu được như thế đã rất tuyệt vời - mà còn phải phấn đấu đảm bảo tối thiểu hai yêu cầu nữa: Không có cướp của và Không có giết người.

Đương nhiên đây là mục tiêu không dễ đạt được trong thời gian ngắn và có thể phải đầu tư nhiều công sức, nhiều trí tuệ, nhiều tâm huyết hơn nữa để làm tốt một số việc, từ việc giáo dục thúc đẩy các hành vi hướng thiện, từ việc hạn chế những hành vi bất lương bất chính, cho đến việc trang bị những công cụ phòng chống tội phạm hữu hiệu - bao gồm cả nỗ lực điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành...

Ngay cả 3 mục tiêu An ninh trật tự, An toàn giao thông và An toàn vệ sinh thực phẩm trong chương trình “Thành phố 4 an” cũng đều hướng đến cái “An” thứ tư này. Tuy nhiên, trong tầm nhìn của chương trình “Thành phố 4 an”, theo tôi, Đà Nẵng có thể đề thêm mục tiêu “Không để nguồn nước sinh hoạt của cư dân thành phố không đủ dùng và nhiễm mặn”.

Chấp nhận vừa tiếp tục thực hiện các mục tiêu đầy tính nhân văn trong hai chương trình an dân trước đây - Thành phố “5 không” và “3 có”, vừa phấn đấu đề ra một số mục tiêu mới mang tính nâng cao qua chương trình “Thành phố 4 an”, Đà Nẵng đã tỏ rõ bản lĩnh dám đối mặt đương đầu với những thách thức của sự phát triển.

Đương nhiên để có thể đương đầu đối mặt với những thách thức của sự phát triển, Đà Nẵng cần phải nắm chắc động lực cốt lõi đã làm nên kết quả của hàng chục năm thực hiện hai chương trình Thành phố "5 không” và “3 có”: Sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị ở địa phương và sức mạnh đồng thuận giữa người dân với Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Quang cảnh hai bờ con sông Hàn được nối bởi cầu quay Sông Hàn và cầu Thuận Phước

Theo dangbodanang

 

Trực tuyến: 39
Tổng: 12193217

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang