15/09/2017
Là một thành phố trẻ, năm nay vừa tròn 20 tuổi, Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu khiến người dân thành phố tự hào. Nhưng nếu hiểu nhiều hơn, sâu hơn về Đà Nẵng chắc chắn không chỉ tự hào mà còn có sự biết ơn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng...
Tôi là một người con xứ Nghệ và coi Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình. Lập nghiệp ở Đà Nẵng 15 năm nay, nên tôi đã chứng kiến sự đổi thay, phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, với công việc là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, nên tôi có điều kiện hiểu nhiều hơn về Đà Nẵng khi tìm hiểu để giảng dạy lịch sử địa phương, nay được đọc 3 tập sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng...Chính vì thế, tôi có cơ sở để khẳng định rằng, trong hơn 85 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng có sự đóng góp không nhỏ đối với lịch sử dân tộc nói chung và đặc biệt là với thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá lý luận giải phóng dân tộc về trong nước thông qua sách báo, đặc biệt là thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức do Người thành lập 6/1925. Trong bối cảnh đó, những người con Đà Nẵng nhạy bén với thời cuộc đã thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Đà Nẵng (9/1927), Thị ủy Đảng Cộng sản ở Đà Nẵng (10/1929). Trên cơ sở đó, Đà Nẵng trở thành cái nôi của cách mạng miền Trung, nơi xứ úy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam làm căn cứ, bàn đạp, đứng chân gieo hạt giống đỏ đầu tiên giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Trong cuộc vận động cho cách mạng tháng Tám (1930 - 1945), nhân dân Đà Nẵng tích cực tham gia các phong trào cách mạng 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố, Đảng bộ Đà Nẵng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền ngày 26/8/1945, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Đà Nẵng đã lãnh đạo quân dân chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân địch ở đô thị, tạo điều kiện cho nhân dân toàn tỉnh có thời gian chuyển vào tình thế chiến tranh. Cuộc chiến đầy anh dũng của quân dân Đà Nẵng đã góp phần vào chiến thắng của cả nước, buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút hết quân về nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Đà Nẵng có một vị trí chiến lược quan trọng được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng thành căn cứ liên hợp hải lục không quân hiện đại, một “chốt chặn” vững chắc. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Đà Nẵng vẫn là một “điểm sáng” ở miền Nam với phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi; còn ở vùng nông thôn và ven đô, phong trào “phá ấp chiến lược” diễn ra mạnh mẽ với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”; trên mặt trận quân sự, quân và dân Đà Nẵng đã chiến đấu anh dũng, lập nhiêu chiến công hiển hách, được Chính phủ phong tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Đảng bộ Đà Nẵng đã lãnh đạo quân và dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng thành phố Đà Nẵng trong ngày 29/03/1975, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng bắt tay vào khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Mặc dù, còn lắm khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự đồng lòng của nhân dân, công cuộc khôi phục và phát triển thành phố đã đạt được nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.
Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thi loại 1 cấp quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, xác lập vai trò là một thành phố động lực của miền Trung - Tây Nguyên. Thật tự hào khi Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”, “thành phố sự kiện, lễ hội”. Đó chính là lý do Đà Nẵng được tin tưởng làm chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao APEP vào tháng 11 tới đây.
Với 7 năm Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh là minh chứng cho thấy, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố cũng như quyết tâm chào đón các nhà đầu tư để phát triển thành phố, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ.
Người dân Đà Nẵng rất biết ơn Đảng bộ thành phố đã để lại một di sản quý báu với sự phát triển bền vững, không phát triển bằng mọi giá khi lãnh đạo thành phố đã từ chối những dự án triệu đô có nguy cơ gây ô nhiễm. Giờ đây, nhìn bài học từ Formosa (Hà Tĩnh), tôi và người dân thành phố càng thấy biết ơn sự sáng suốt của lãnh đạo thành phố.
Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào nhưng sự phát triển của Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn những hạn chế như bất động sản phát triển quá “nóng”, khách sạn được xây quá nhiều, du lịch vẫn thiếu chiều sâu, và thiếu các thiết chế văn hóa đúng nghĩa.
Để Đà Nẵng phát triển tương xứng với tiềm năng, thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, tôi xin mạnh dạn hiến kế cho thành phố một số giải pháp sau:
Trước hết cần xác định thế mạnh của Đà Nẵng là du lịch, dịch vụ. Đà Nẵng có đủ tiềm năng để trở thành một Singapore. Những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê, những khu nghỉ dưỡng trên núi khí hậu trong lành, bốn mùa lý tưởng khiến du khách cứ trở đi trở lại Đà Nẵng nhiều lần.
Từ Đà Nẵng, du khách có thể thiết kế những chuyến đi thú vị trong ngày đến Hội An, Lăng Cô, hay Cù Lao Chàm, thánh địa Mỹ Sơn...Mọi loại hình du lịch, từ nghỉ dưỡng cao cấp đến mạo hiểm, khám phá, vui chơi giải trí…cần được đầu tư sẵn sàng phục vụ du khách.
Một Singapore thứ hai của châu Á sẽ hình thành, khi toàn bộ Đà Nẵng được quy hoạch và phát triển đồng bộ. Theo đó, tới năm 2020, khu ven biển Bắc sẽ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển…Còn tại khu ven biển phía Đông, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên, nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí sẽ đồng loạt được xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục phát huy chính sách thu hút nguồn nhân lực được thành phố hiện thực bằng nhiều Đề án tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. Tôi đánh giá đây là chính sách hết sức khôn ngoan khi thành phố đã biết tận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ của hàng trăm, hàng ngàn khối óc trí tuệ. Khi chính sách mở cửa với nhiều chế độ hỗ trợ, ưu đãi đi kèm, những nhân tài sẽ không ngần ngại cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vì sự phát triển chung của thành phố. Một thành phố phát triển bền vững là khi phát huy được nội lực, huy động, tận dụng tối đa ngoại lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng tốt.
Tôi tin rằng, nếu phát triển đúng theo định hướng này, một tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ giàu mạnh, an bình, văn minh, hiện đại, trở thành một “Thành phố đáng sống”, sẽ là một Singapore mới của châu Á.
Theo dangbodanang