15/09/2017

 Từ khi Pháp nổ súng vào Đà Nẵng (ngày 01/9/1858), nhìn lại lịch sử; mảnh đất, con người Đà Nẵng (Quảng Nam - Đà Nẵng) đến nay đã có quá nhiều đổi thay. 159 năm, từ khi Đà Nẵng chỉ là một vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, kinh tế - xã hội chưa có gì để trở thành một thành phố phát triển, xinh đẹp và nổi tiếng như ngày hôm nay là cả một quá trình. Quá trình ấy, là sự cống hiến hết sức mình không chỉ là của những con người sinh ra ở mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, mà còn là của những con người chọn mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng để cống hiến.

Những con người ở nơi đây đã bất khuất, kiên cường, không chịu làm nô lệ, đã đứng lên chống ách ngoại xâm từ khi chưa có Đảng. Những tên tuổi đã đi vào lịch sử trên đất Đà Nẵng như: Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường,…và những tên tuổi nối tiếp sau đó như: Đỗ Quang, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Mẹ Nhu,…

Qua hơn 85 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập tại Quảng Nam, đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập (28/3/1930). Suốt cả chặng đường ấy, chúng ta đã chứng kiến bao lớp người con ưu tú, bao nhiêu đảng viên Cộng sản trung kiên đã chiến đấu hy sinh đánh Pháp, rồi đánh Mỹ để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, trong đó có mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng.

Bây giờ, Đà Nẵng đã khác xưa nhiều lắm. Đà Nẵng đã được nhiều người trên thế giới biết đến, đó là thành phố “Thành phố môi trường”, “Thành phố đáng sống”, "Thành phố 5 không, 3 có", “Thành phố 4 an”,…

Là công dân của thành phố, tôi có quyền tự hào về thành phố của mình mỗi khi được nhắc đến. Bên cạnh những thay đổi qua từng ngày, từ một thành phố nhỏ bé (cả về kinh tế, diện tích, dân số,..), đến nay, Đà Nẵng đã là một thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố phát triển năng động với nhiều mặt nổi trội. Tuy nhiên, trong cuộc sống vốn hối hả hàng ngày, vẫn còn đó nhiều mặt chưa được như ý muốn, đơn cử như: Môi trường vẫn chưa thật sự trong sạch, rác và nước bẩn vẫn đổ ra biển hàng ngày. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, thành phố chưa thật sự bình an, vẫn còn tình trạng giết người, ma túy, an toàn thực phẩm chưa thật sự hết lo…tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng.

Để xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại trong thời gian tới, theo tôi nghĩ, đó là nỗi lo không chỉ của những người lãnh đạo thành phố, các cấp, mà đó còn là trách nhiệm của mỗi công dân sống ở thành phố này. Tôi xin đề xuất một số các giải pháp sau đây:

1. Trước hết, các cấp lãnh đạo thành phố, nhất là những người đứng đầu phải là những người thật sự vì thành phố này. Lãnh đạo thành phố phải là người những người có tầm và có tâm.

Chúng đã thường hay nhắc đến: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng. Từng cấp lãnh đạo của thành phố, quận huyện, phường xã phải thật sự cầu thị, lắng nghe từng ý kiến đóng góp (tích cực) của nhân dân để có những giải pháp và hành động vì nhân dân thành phố này. Lãnh đạo thành phố cũng nên “vi hành” thường xuyên hơn để thấy và biết được cuộc sống của người dân; không chỉ đi, ngắm những con đường sạch đẹp, ngôi nhà sang trọng, mà còn phải đi và thấy những nơi chốn, những mái nhà còn tạm bợ, hay những con đường chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp để có quyết sách đúng. Trước đây, Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng đã từng làm như vậy.

2. Sống, làm việc theo Hiến Pháp và pháp luật. Sống phải thượng tôn pháp luật. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng khi vận hành vào trong đời sống xã hội thì tính thượng tôn ít nhiều đã bị xem nhẹ. Ví dụ: Luật Giao thông đường bộ có quy định xử phạt đối với người vừa tham gia giao thông vừa nghe điện thoại nhưng thực tế những người thực thi công vụ (Công an) thường làm ngơ nên người tham gia giao thông ít sợ. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp người dân vừa đi xe, vừa nghe điện thoại bình thường khi đi ngang các đồng chí Công an giao thông mà không một chút e dè; trước đây, xử phạt người uống rượu bia với mức phạt không đủ sức răn đe nên ít người để ý nhưng khi nâng mức phạt 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (đối với người lái ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định) hay từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định) thì trước khi sử dụng rượu, bia người ta đều nghĩ đến ngay.

Tại sao dân ta khi ra nước ngoài thì lại chấp hành đúng pháp luật, còn về nước lại xem nhẹ? Chúng ta thường duy tình hơn duy lý khi pháp luật được đem ra vận dụng, cho nên người dân nhiều khi xem nhẹ nên tính thượng tôn pháp luật không được thực hiện. Bởi vậy, đề nghị làm sao các ngành chức năng xử lý theo đúng thẩm quyền chức trách của mình nhưng đồng thời phải có tính răn đe cao.

3. Chính quyền nên có những giải pháp căn cơ đối với từng người dân thành phố và từng công việc cụ thể. Ví dụ: Tại Ngã tư đường Quang Trung - Ông Ích Khiêm - Trần Cao Vân hiện nay tình trạng kẹt xe thường hay diễn ra vào các buổi chiều. Đã nhiều bài viết phản ánh, góp ý của người dân trên trang thông tin điện tử (egov.danang.gov.vn) để mong giúp chính quyền giải quyết tốt hơn. Thế nhưng, cách giải quyết của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng dường như bất lực (Về vấn đề này, UBND quận Thanh Khê xin phản hồi như sau: Tuyến đường Ông Ích Khiêm đoạn tiếp giáp đảo cảnh quan Quang Trung - Trần Cao Vân - Ông Ích Khiêm luôn có một số hộ kinh doanh (công dân sống trên địa bàn quận Hải Châu) trái cây bằng xe đẩy, chiếm dụng lòng đường để buôn bán, cản trở giao thông. UBND quận Thanh Khê giao Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, đã nhiều lần tạm giữ xe đẩy và trái cây nhưng các cá nhân kinh doanh luôn cố tình vi phạm. Khu vực này tiếp giáp giữa quận Thanh Khê và quận Hải Châu, khi thấy lực lượng chức năng quận Thanh Khê, các hộ này lại di chuyển xe đẩy sang các tuyến đường thuộc quận Hải Châu và ngược lại, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Trong thời gian tới, UBND quận Thanh Khê chỉ đạo Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tại khu vực này).

Tại sao chính quyền không gặp trực tiếp những người này để nói cho họ rõ là chính quyền tạo điều kiện cho họ kiếm sống, nhưng cách buôn bán như vậy là phạm luật và ảnh hưởng đến nhiều người khác, nếu không chấp hành thì sẽ xử phạt nặng (tịch thu, phạt tiền, cấm buôn bán,…). Chẳng lẽ, cử Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, xử phạt 3 người bán trái cây dưới lòng đường hằng ngày? Cho nên làm sao để khi chính quyền đã ra tay thì tính nghiêm minh của pháp luật phải được thực thi.

Theo dangbodanang

 

Trực tuyến: 49
Tổng: 12188160

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang