14/12/2016
|
Với những bước phát triển đột phá trong quy hoạch cơ sở, quận Sơn Trà ngày càng thay da đổi thịt.
|
Đột phá trong quy hoạch
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp, quận Sơn Trà được xem là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp thành phố tổ chức sự kiện lễ hội. Có biển, có núi, có sông, mảnh đất quận Ba ngày xưa dường như hội đủ mọi tinh túy của đất trời với dãy núi Sơn Trà bạt ngàn, bờ biển dài quyến rũ nhất hành tinh…Sau ngày thành phố chia tách tỉnh, tiềm năng của quận Sơn Trà chỉ thực sự được đánh thức khi lãnh đạo thành phố cùng với lãnh đạo quận đặt trọng tâm cho công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Chính vì vậy, những thành tựu đạt được trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở 20 năm qua là dấu ấn rõ nét nhất trong phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của quận.
Trong hồi ức của người dân quận Sơn Trà, mảnh đất quận Ba của 20 năm về trước chất chồng bao nhiêu nỗi âu lo. Là quận nội thị thành phố thế nhưng quận Ba như tách mình khỏi sự phát triển chung so với các quận, huyện khác. Câu ca dao “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất” cứ thế ám ảnh, như lời ca văng vẳng, xoáy sâu vào tâm trí người dân, vào tầng lớp cán bộ lãnh đạo như một nỗi đau đáu, một áp lực phải vượt qua, vươn lên để bằng chị bằng em trong nay mai. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, quận Sơn Trà đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và thành phố, vốn tài trợ của nước ngoài và phát huy nội lực từ nguồn vốn đóng góp của toàn dân trên địa bàn quận. Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư của quận 20 năm qua (1997 - 2016) đạt hơn 21.518 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007 - 2016 là hơn 18.600 tỷ đồng, tăng 6,4 lần so với giai đoạn 1997 - 2006. Chính các nguồn vốn đó đã góp phần nhanh chóng cải tạo diện mạo quận Sơn Trà từ “nhà không số, phố không tên” trở thành một khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp và văn minh như ngày hôm nay.
Quận Sơn Trà thực sự chuyển mình sau năm 1997, nhất là từ năm 2000 khi khánh thành cầu Sông Hàn - cây cầu biểu tượng của sự đồng thuận và sức mạnh lòng dân đã thổi làn gió mới cho mảnh đất này phát triển. Nếu như năm 1997 hầu hết các đường trong khu dân cư đều là đường đất cát và đá dăm, không có hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng thì đến nay, hạ tầng đô thị quận ngày càng hoàn thiện, hiện đại với nhiều công trình mới xây dựng, tạo bước phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng. Theo Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm, cầu sông Hàn khánh thành đã kéo theo hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch ra đời như Trần Hưng Đạo, đường Ngô Quyền mở rộng trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là Hoàng Sa - Trường Sa)… Những con đường khang trang đó tạo cho Sơn Trà một hình ảnh đô thị mới năng động, hiện đại phía đông thành phố, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương.
Để phát huy tiềm năng của một địa phương có nhiều điểm đến hấp dẫn, quận Sơn Trà từng bước hoàn thành cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Từ đó, mạng lưới bán lẻ được phân bố đều và rộng khắp, hệ thống các Trung tâm thương mại, siêu thị và chợ được quy hoạch lại và xây dựng mới khang trang. Nhất là những năm gần đây, dịch vụ du lịch đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế chủ đạo của quận. Với lợi thế bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của bán đảo Sơn Trà cùng các điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch trên địa bàn quận ngày càng trở nên phong phú, hạ tầng cơ sở từng bước hoàn thiện hiện đại. Sự ra đời của các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Intercontinental, Sơn Trà Resort and Spa, khu du lịch biển Đông...; các cơ sở ăn uống phát triển nhanh dọc theo các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh…đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn quận. Theo số liệu thống kê, lượng khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà bình quân hàng năm hơn 500.000 lượt khách, lượng khách lưu trú tại Sơn Trà chiếm hơn 35% trên tổng số lượt khách đến tham quan du lịch tại Đà Nẵng.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Theo các nhà quản lý, nét nổi bật trong phát triển hạ tầng cơ sở là khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây cũng là điểm sáng trong việc huy động sức dân mà Sơn Trà nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung triển khai thực hiện từ rất sớm so với các địa phương trong cả nước. Ngoài đóng góp bằng tiền của, nhân dân còn đóng góp bằng tường rào, cổng ngõ, đất đai...mà không phải đền bù với trị giá hàng trăm tỷ đồng như đường Lê Hữu Trác, một số tuyến đường nội bộ phường An Hải Đông... Trong công tác quy hoạch chỉnh trang đô thị, quận Sơn Trà cũng đã làm tốt công tác phối hợp với hàng chục Ban dự án triển khai công tác giải toả mặt bằng hơn 150 dự án của Trung ương và thành phố. Từ những dự án này, quận đã di dời 17.000 hộ dân, đảm bảo tiến độ kế hoạch giải toả chung của thành phố nhưng không hề xảy ra điểm nóng, không có khiếu kiện đông người. Nhớ lại những ngày đầu tháng 9 năm 1998, khi cầu sông Hàn bắt đầu khởi công xây dựng, nhiều người chèo đò sinh sống ở các phường ven sông cảm thấy nôn nao, bởi họ không biết đi đâu, về đâu khi không còn làm nghề đưa đò nữa. Chị Trần Thị Thanh Nga (tổ 7, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vẫn không thể nào quên được cảm giác những cây cọc đầu tiên đóng xuống dòng sông Hàn như “đóng đinh” vào từng miếng cơm manh áo của gia đình. Thế nhưng, khi mỗi lần nghĩ về cuộc sống hôm nay, chị Nga lại thầm cảm ơn chính sách hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo quận đã giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo. “Khi chuyển lên bờ, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn, thong thả hơn cái nghề bấp bênh theo sông nước với đồng tiền mưu sinh đắp đổi nhất thời như hồi trước”, chị Nga trải lòng.
Trong hàng loạt dự án phát triển kinh tế, dân sinh được triển khai trên địa bàn quận Sơn Trà, phải kể đến dự án xóa nhà chồ ở phường Nại Hiên Đông. Phường Nại Hiên Đông có diện tích 4 km2 thì phải giải tỏa, chỉnh trang đô thị hết 3 km2. Trước 1999, cả phường chỉ có mỗi con đường đất đỏ Nguyễn Trung Trực là “hoành tráng” nhất để tiện đi lại với các phường khác và sang quận Hải Châu. Bây giờ, hàng trăm tuyến đường mở ra khiến phường Nại Hiên Đông trở thành địa phương không có kiệt, hẻm duy nhất của Đà Nẵng. Chính hệ thống giao thông phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây đã góp phần giúp cho địa phương này phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; minh chứng cho sự “cất cánh vươn lên” của vùng đất bờ đông sông Hàn. Những năm gần đây, bà con xa quê về thăm lại người thân ở phường Nại Hiên Đông không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của một phường từng có thời nghèo nhất quận Sơn Trà.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với sự quyết tâm nỗ lực của các cấp lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân, quận Sơn Trà đã và đang xây dựng để trở thành một điểm đến hấp dẫn và an toàn, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Trong những năm tới, quận Sơn Trà sẽ tiếp tục có những bước đột phá quy hoạch để xây dựng thành quận trọng điểm của thành phố về phát triển du lịch - dịch vụ, với chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao. Đó cũng chính là khát vọng của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Sơn Trà.
Theo BDN