09/02/2023
Quá trình lập hồ sơ ma nhai Ngũ Hành Sơn để đệ trình lên UNESCO ghi nhận có thể xem như được chính thức khởi động từ năm 2019. Tuy nhiên, để lập được hồ sơ là cả một quá trình tiếp bước, kế thừa từ những công trình nghiên cứu dài lâu của các học giả trong nước lẫn quốc tế.

Đoàn công tác của thành phố do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại MOWCAP. (Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng)
Theo Công trình nghiên cứu văn khắc Hán Nôm tại Ngũ Hành Sơn do đại đức Thích Không Nhiên (Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế) công bố năm 2019, trong 90 văn bản ghi nhận được tại 5 hang động của Ngũ Hành Sơn, thì có đến 60 ma nhai trong số này được tiền nhân lưu khắc trên vách động Huyền Không. Trong ánh sáng huyền ảo hắt xuống từ trần động, những nét chữ trên vách núi cũng trở nên mờ ảo, có bức gần như nhạt nhòa không còn rõ nét bởi sự phong hóa của thời gian và cả bởi sự thiếu hiểu biết, xâm phạm vào di tích của du khách trong những thập kỷ trước.
Là người có thời gian dài nghiên cứu sâu về ma nhai Ngũ Hành Sơn và tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ công nhận di tích, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận: “Chữ khắc trên bia ma nhai không rõ nét do khắc không sâu và trải qua thời gian dài bị phong hóa, bào mòn. Thậm chí, nhiều văn bản không đề cụ thể niên đại nên việc xác định chính xác năm ra đời là rất khó. Chẳng hạn như bia Ngũ Uẩn Sơn lâu nay bị nhầm lẫn giữa năm Tân Vị và Tân Tỵ cho đến năm 2012, tôi là người đầu tiên xác định lại niên đại tấm bia này là vào năm 1631”.

Chữ khắc trên bia ma nhai tại hang động Ngũ Hành Sơn.
Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết trong một bài viết đăng trên báo Đà Nẵng, năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tiến hành khảo sát danh thắng Ngũ Hành Sơn để nếu đủ điều kiện thì có thể làm hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trong quá trình khảo sát này, anh chị em ngành văn hóa thấy trên rất nhiều bia đá, vách đá có khắc chữ Hán, chữ Nôm. Mặc dầu chưa rõ hết nội dung và ý nghĩa nhưng họ vẫn cảm nhận rằng, nó có một giá trị nào đó. Trong thời gian này, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở Huế cũng đang nghiên cứu di sản Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, bởi nơi đây từng một thời là trung tâm Phật giáo lớn ở Đàng Trong cũng như cả nước.
Tại hội thảo do Trung tâm Văn hóa Phật giáo này phối hợp chùa Quán Thế Âm tổ chức vào tháng 5/2018, thơ văn ma nhai được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Ngay sau đó, một số nhà nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo từ Huế vào khảo sát rất kỹ lưỡng ma nhai nơi đây suốt hai tháng liền. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu rất chuyên sâu nói trên, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử thành phố phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức Hội thảo khoa học “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn” vào tháng 3-2019 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Qua hội thảo này có thể xác định, thơ văn ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức thể hiện độc đáo, có tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối, hát nói... của vua quan, các cao tăng, văn nhân thi sĩ từng dừng chân cảm tác, khắc ghi trên các vách đá, hang động Ngũ Hành Sơn từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX. Đây là nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, kể cả ngoại giao. Đối chiếu với những tiêu chí của UNESCO về xem xét để ghi danh loại hình Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới như tính xác thực, tính nguyên bản, tính đại diện, giá trị nội dung, khả năng bảo tồn, giới thiệu của địa phương..., Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp UBND quận Ngũ Hành Sơn quyết định báo cáo lãnh đạo thành phố, xin chủ trương lập hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị ghi danh Di sản tư liệu quý giá này.
Quá trình lập hồ sơ ma nhai Ngũ Hành Sơn để đệ trình lên UNESCO ghi nhận có thể xem như được chính thức khởi động từ năm 2019. Tuy nhiên, để lập được hồ sơ là cả một quá trình tiếp bước, kế thừa từ những công trình nghiên cứu dài lâu của các học giả trong nước lẫn quốc tế.
Lúc 10 giờ 30 phút ngày 26/11/2022 giờ Việt Nam, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) diễn ra từ ngày 23 – 26/11/2022 tại Andong (tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, Việt Nam chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, lập và đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận lên Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã đón tin vui đối với ma nhai Ngũ Hành Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Hệ thống ma nhai hiện nằm trong khu vực bảo tồn riêng, chưa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục công bảo bảo tồn một cách nghiêm ngặt nhằm giữ nguyên hiện trạng tư liệu lịch sử quý hiếm này”
Với người dân phường Hòa Hải, sống ở xung quanh khu vực Ngũ Hành Sơn, có thể nhiều người còn chưa hiểu hết giá trị của ma nhai núi Ngũ Hành. Nhưng khi nghe thông tin ma nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới thì bà con vô cùng vui mừng và tự hào về nơi mình sinh sống.
Trước những tác động khắc nghiệt của thời gian, những giá trị di sản ma nhai còn lại nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện nay một lần nữa minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành văn hóa, bảo tàng Đà Nẵng trong việc phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thẩm định, phục hồi và nỗ lực bảo vệ các giá trị của di sản trước hội đồng UNESCO. Vấn đề đặt ra với người dân và thành phố là làm sao để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo mà Ngũ Hành Sơn đang ẩn giấu.
Theo dangbodanang.vn