09/02/2023
Ngày 26/11/2022, hệ thống ma nhai (là văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Sự kiện này đã mở ra lợi thế rất lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời, khẳng định Đà Nẵng không chỉ là một đô thị phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa.

Ma nhai là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay quan tâm.
Hệ thống ma nhai được UNESCO đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để công nhận như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn có gần 80 văn bản ma nhai, tập trung ở động Hoa Nghiêm (khoảng 21 ma nhai), động Huyền Không (30 ma nhai), động Tàng Chơn (20 ma nhai), động Vân Thông (2 ma nhai), động Linh Nham (3 ma nhai) và nằm rải rác ở một số nơi khác.
Dạo bước qua các động Huyền Không, Vân Thông, Hoa Nghiêm, ở Ngũ Hành Sơn, người dân và du khách dễ dàng bắt gặp các bia ký được khắc công phu trên vách đá. Đến động Hoa Nghiêm (nằm trong ngọn Thủy Sơn, thuộc quần thể núi Ngũ Hành Sơn), ở khu vực cửa động, phía bên trái, cạnh bàn thờ và bức tượng Quan Thế âm Bồ Tát, là tấm ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640), được khắc bằng chữ Hán Nôm với nội dung: Thiền sư Huệ Đạo Minh, người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia đã đứng ra chủ trì hưng công trùng tu tôn tạo Chùa phật trên núi Phổ Đà (Ngũ Hành Sơn) và chùa Bình An ở dưới núi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), bản ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh là một trong những ma nhai có niên đại sớm nhất trong hệ thống các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn. Tìm hiểu hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu cũng biết thêm những giá trị lịch sử không chỉ mang tính địa phương mà còn có yếu tố phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội từ rất sớm của các nước châu Á, nhất là 3 đất nước Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản. Trong nội dung ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật thể hiện rõ điều này.
Nội dung bia Phổ Đà sơn linh trung Phật ghi danh tính của 82 Phật tử công đức, trong đó có 2 người nước ngoài đến đây du thám và phụng cúng tiền của để xây dựng chùa Bình An là người Nhật Bản và Đại Minh. Ngoài ra, văn bia này cũng cho biết thông tin về cuộc hôn phối giữa những người phụ nữ bản địa và thương nhân nước ngoài tại thương cảng Hội An. Những nội dung trên bia “Phổ Đà Linh Trung Phật” luôn là nguồn dẫn liệu quan trọng của tất cả các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi đề cập đến vấn đề ngoại giao văn hóa kinh tế của 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản nói riêng và giao lưu hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Ngoài ra, nội dung ở nhiều ma nhai cũng cho thấy sự hội nhập, mang tính quốc tế cao của Phật giáo ở thế kỷ XVII, khi khu vực Ngũ Hành Sơn được xem là trung tâm Phật giáo của Quảng Nam - Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm và sùng bái của không chỉ người Việt Nam mà của các dân tộc khác, như người Nhật Bản và người Trung Quốc. Cụ thể, dữ liệu khắc trên văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” (1640) và “Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc” (1631) cho thấy, ngay từ thế kỷ XVII, Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng có sự ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế.
Bên cạnh giá trị về lịch sử và Phật giáo thì hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng các tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là nguồn tư liệu quý được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học.
Nhận xét về giá trị văn học của hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng, đây được xem là bộ sưu tập tác giả, gồm cả vua Minh Mạng với nhiều bài thơ ngự chế, 2 tấm bia khắc đại tự Vọng Giang đài và Vọng Hải đài thể hiện tư duy của người đứng đầu triều Nguyễn. Tính xác thực của hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn còn thể hiện ở việc các tư liệu này do chính các vị vua chúa triều Nguyễn, danh thần, tăng sư sáng tác, với thân thế con người, niên hiệu cụ thể, được sử sách ghi chép lại. Đặc biệt, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Nhìn chung, trong gần 80 ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, mỗi ma nhai có sự khác nhau về hình thức, nội dung, là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại. Điều này cho thấy hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn không chỉ thể hiện ưu điểm về mặt số lượng so với các địa phương khác mà mỗi ma nhai còn mang trong mình một giá trị đặc trưng riêng có và không trộn lẫn. Mỗi ma nhai là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao, hàm chứa những giá trị nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và của kinh nghiệm, tài năng của nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu ma nhai tại Việt Nam thì so với các địa chỉ lưu dấu văn khắc trên đá nổi tiếng của Việt Nam, Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng ma nhai, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều, mà còn hơn thế, văn khắc trên vách đá ở Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ký tại Việt Nam.
Toàn bộ nội dung ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được dịch từ chữ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn khắc gồm có mục lục các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên mạng nội bộ và Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Tra cứu trên Website: baotangdanang.vn. “Hệ thống ma nhai hiện nằm trong khu vực bảo tồn riêng, chưa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.
Đến nay, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã vượt ra ngoài ranh giới của một thành phố hay quốc gia, trở thành di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Đây là thành công rất lớn của thành phố Đà Nẵng trong việc đưa một di sản quý hiếm có tên trên bản đồ di sản thế giới. Việc ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thế giới, và Đà Nẵng có di sản tầm khu vực đầu tiên chắc chắn là niềm vui, là sự tự hào rất lớn của thành phố trong lĩnh vực văn hóa. Song, bên cạnh vinh dự ấy, nhiệm vụ của thành phố là phải bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của ma nhai, xứng đáng với danh hiệu vừa đạt được. Đây không chỉ là công việc của hiện tại, mà còn phải hướng đến tương lai, để giá trị di sản văn hóa sống mãi với thời gian.
Theo dangbodanang.vn