
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố thông tin đến bạn đọc về các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển
Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho biết, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi và Phát triển thủy sản, kịp thời ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác,… Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản từ Trung ương và của thành phố trong thời gian qua đã kịp thời giải quyết các khó khăn của ngư dân về nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang thiết bị, bảo quản sản phẩm; trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc. Từ đó, tạo thuận lợi cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển.
Đến thời điểm hiện tại, cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác tại thành phố đã có sự chuyển biến tích cực. Số lượng tàu công suất dưới 90cv khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng giảm dần, số lượng tàu từ 90cv trở lên khai thác ở vùng khơi tăng mạnh. Giá trị khai tác hải sản đạt 47.821.000đ/tấn (tính đến năm 2018).
Về tình hình triển khai thực hiện các chính sách nhằm phát triển đội tàu khai thác hải sản vùng khơi tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, đến nay có tất cả 07 tàu cá đóng mới và đi vào hoạt động sản xuất với tổng số vốn vay hơn 116 tỉ đồng; 02 chủ tàu được vay vốn nâng cấp; 05 lượt tàu cá vỏ thép đóng mới được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng; 141 tàu cá đóng mới theo chính sách hỗ trợ và được UBND thành phố ban hành Quyết định hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 109 tỉ đồng.
Đối với các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản trong chương trình khuyến ngư, bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm thành phố cho biết, mỗi mô hình trình diễn sẽ nhận được sự hỗ trợ khác nhau từ chính sách khuyến ngư theo Điều 29 của Nghị định 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông. Ngoài chính sách nêu trên, ngư dân có thể tham gia thực hiện theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố. Theo đó, tại mục 5 Điều 1 quy định: Chủ tàu có thể đăng ký hỗ trợ cho mỗi tàu để trang bị cho các loại máy, thiết bị trong một hoặc nhiều lần trong giai đoạn từ 2019-2025 với tổng mức hỗ trợ tối đa một lần hoặc cộng dồn không quá 500 triệu đồng/01 tàu.
Ở những nội dung, hạng mục vật tư phục vụ cho tàu khai thác xa bờ, chương trình khuyến ngư có thể hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được cấp có thẩm quyền công nhận đối với mô hình trình diễn ở địa bàn đồng bằng theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, ngư dân có thể tham gia nhận hỗ trợ các loại máy, thiết bị theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND. Trong đó, các thiết bị bảo quản sản phẩm bao gồm: hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU; hầm (thùng) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh; máy, thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ Nano;... Các thiết bị dùng trong khai thác được hỗ trợ như: máy, thiết bị dò cá; máy, thiết bị định dạng tự động AIS; rada; máy, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá.
Song song với quá trình phát triển, hoạt động khai thác thủy sản và công tác quản lý trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, thì vẫn còn một số khó khăn: số lượng tàu cá hải sản vùng khơi tại thành phố tăng mạnh, song sản lượng đánh bắt những năm qua chưa tương xứng, chất lượng thủy sản chưa cao, dẫn đến giá sản phẩm còn thấp; chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua đến cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển chưa được xây dựng hoàn chỉnh; lực lượng lao động trên biển ngày càng khan hiếm;… Trước những khó khăn đó, ông Lưu Quang Khánh đã nêu ra một số giải pháp để hỗ trợ ngư dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển theo đúng quy định của Chính phủ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND.
Bám sát, hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro, phát triển nghề cá
Bà Thái Thị Bích Vân, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy Lợi, đã thông tin đến độc giả các chính sách, chế độ trợ giúp ngư dân, hỗ trợ thiệt hại về người và tài sản. Trong thời gian qua, đối với các trường hợp cứu hộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố phối hợp với Sở Tài chính, UBND các địa phương, tham mưu UBND thành phố hỗ trợ một phần kinh phí để ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển. Tính đến tháng 8-2019, thành phố đã trích ngân sách và sử dụng Quỹ hỗ trợ ngư dân trên 930 triệu đồng để hỗ trợ cho 107 trường hợp bị tai nạn, rủi ro do không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg.
Là một trong những đơn vị cung cấp bảo hiểm đối với tàu cá trên địa bàn thành phố, ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc công ty PVI Đà Nẵng cho biết, tất cả các vụ tổn thất PVI đều bám sát và thực hiện giải quyết bồi thường theo quy định của quy tắc bảo hiểm và quy định hiện hành để hỗ trợ ngư dân.
Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cảng cá Thọ Quang hiện nay cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần thiết để hỗ trợ nghề cá Đà Nẵng phát triển, kể cả khu vực miền Trung.
Trên thực tế, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang bao gồm cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu neo đậu trú bão cho tàu cá với diện tích mặt nước là 58ha, diện tích trên bờ là 04ha. Từ năm 2013 đến nay, tốc độ phát triển của Cảng cá Thọ Quang bình quân tăng trên 15%. Hằng năm, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận trên 15.600 lượt tàu cá và trên 115.000 tấn hải sản qua cảng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, khai thác lợi thế, nguồn lực, đáp ứng dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, ngành đang xúc tiến dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá. Khi đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, bố trí các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo trật tự, mỹ quan, an toàn thực phẩm,… Theo đó, khi dự án hoàn thiện, chiều dài bến tàu sẽ tăng thêm 232m, gấp đôi so với hiện nay; tổ chức điều động, bố trí tàu theo từng khu vực cụ thể, với từng nhóm công suất tàu, nhóm nghề cụ thể; lắp đặt hệ thống cân điện tử tại 03 cầu cảng, hệ thống ròng rọc, cẩu nâng hàng,… để đẩy nhanh quá trình bốc dỡ hải sản. Bên cạnh đó, các biện pháp cải thiện và đảm bảo môi trường tại khu vực; tiếp nhận các ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật về xử lý ô nhiễm, áp dụng các biện pháp tuyên truyền, xử lý dứt điểm tình trạng rác xả thải, nước thải không đúng quy định xuống vùng nước Âu thuyền,… để hướng đến xây dựng chợ hải sản văn minh, kết hợp khai thác du lịch.

Toàn cảnh buổi đối thoại trực tuyến
Để phát triển sản phẩm ngư nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, trong thời gian đến, ngành Thủy sản Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, ngành sẽ chuyển đổi cơ cấu nghề, xây dựng phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao năng lực chế biến để tăng giá trị sản phẩm thủy sản; đầu tư phát triển, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá Thọ Quang theo hướng công nghiệp, thương mại, trở thành trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo tổ quốc. Cùng với đó, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn sự quy giảm nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản sẽ được đẩy mạnh, hướng đến nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản một các bền vững.
THANH THẢO – THỦY THANH
Theo danang.gov.vn