14/12/2018
Vào các thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX, vấn đề quần đảo Hoàng Sa đã được một tờ tuần báo Pháp đặc biệt quan tâm, làm dấy lên sự chú ý về chủ quyền đối với quần đảo này. Tuần báo đó là L’éveil Économique de L’indochine [Sự thức tỉnh về kinh tế Đông Dương] (viết tắt là Tuần báo L’éveil). Người chủ bút, đồng thời là tác giả của phần lớn các bài viết trên Tuần báo này là Henri Cucherousset, ông sinh năm 1879 tại Maiche, phía Đông nước Pháp. Lúc đầu ông là một nhà giáo, sau đó sang Thượng Hải hành nghề luật sư. Cuối cùng, ông đã đến Đông Dương - nơi ông và gia đình sống đến khi ông qua đời.
Tại Việt Nam, sau một thời gian làm cộng tác viên của tờ Courrier d’Haiphong [Thư tín Hải Phòng], ông đã sáng lập Tuần báo L’éveil. Trong 835 số của tuần báo này, đã có hơn 90 bài viết đề cập đến Hoàng Sa, Trường sa và Biển Đông. Loạt bài về Hoàng Sa, Trường Sa của Henri Cucherousset, khởi đăng từ 1928 đến 1933 gồm 16 bài, đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đối với chủ quyền của Việt Nam mà qua đó là của Pháp, đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nguyên do là, lúc bấy giờ chính quyền thực dân Pháp đang trực tiếp cai trị xứ Đông Dương nhưng lại làm ngơ trước các hoạt động xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc và Nhật Bản. Qua các bài viết, Henri Cucherousset muốn khẳng định rằng: “Chủ quyền của Annam đã được thiết lập từ lâu trên quần đảo này” và “không một mẩu lãnh thổ nào của Annam mà theo đó là của Pháp, được sang nhượng hoặc bỏ rơi”. Dưới đây là bản lược dịch các bài viết trên của ông.
Quần đảo Hoàng Sa và Đông Dương
Chính quyền Đông Dương không được phép quên việc Trung Quốc là thiết lập cảng quân sự (Yulin Kan) ở phía Nam đảo Hải Nam, nhằm khống chế đường vào vịnh Bắc kỳ và chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa. Người cầm quyền tại Hải Nam, đã đi thị sát quần đảo Hoàng Sa, thích thú với số ảnh chụp được và cho đồng hương của tôi xem. Đặc biệt, có một số ảnh chụp một công trình trước kia của người Nhật dùng để khai thác phân chim tại Hoàng Sa.
Tất cả các đảo ở Hoàng Sa đều khô cằn, không người ở, chỉ có một đảo có cây cối, còn các đảo khác thì toàn bụi rậm hoặc đá ngầm trơ trụi, nhiều đảo không có nước nên người Nhật phải dùng dụng cụ để chưng cất nước biển. Bản chất người Nhật và sức khỏe của họ không phù hợp với điều kiện sống tại đây. Khí hậu nóng và ẩm ướt tại Hoàng Sa là một thử thách đối với người Âu, nhất là sự cô đơn vì sống xa xứ. Bởi vậy, chúng ta từng có một cuộc thám hiểm đầy tốn kém song lại bỏ rơi quần đảo này.
Vào năm 1925, chẳng tham khảo ý kiến những người từng làm chủ quần đảo này (Triều đình An Nam - ND), những nhà cầm quyền Đông Dương ở Sài Gòn, đã vội vã tuyên bố: “Nước Pháp sẵn sàng trao tặng các bãi đá ngầm và các đảo nhỏ đó”. Họ cũng nói với nhà cầm quyền tại Quảng Đông (Trung Quốc) như vậy. Vì vậy, Trung Quốc - với tham vọng không giới hạn của chủ nghĩa đế quốc, họ có thể thực hiện quyền bá chủ cả ở cực Bắc, nên tuyên bố ngay “chủ quyền” của họ đối với Hoàng Sa và tỏ ra cao thượng, khi để cho một công ty Nhật Bản đến khai thác phân chim tại đây.
Chúng tôi mong rằng, ngài Pasquin cần mở một cuộc điều tra về trách nhiệm những người Pháp đã quên mất quyền của mình, do không chịu bỏ công để tìm trong hồ sơ lưu trữ về chủ quyền của An Nam mà qua đó là của Pháp đối với Hoàng Sa và không xin ý kiến của Toàn quyền Đông Dương trước khi đưa ra tuyên bố nêu trên. Chúng tôi đòi hỏi không những là mở cuộc điều tra, mà còn phải trừng phạt họ nữa.
Tuần báo L’éveil Économique đã từng cảnh báo việc này từ hai năm nay song không ai buộc ngài Toàn quyền Đông Dương phải đọc L’Eveil Economique. Theo chúng tôi, ngài Toàn quyền cần phải đọc tất cả các báo ở Đông Dương kể cả báo ở các nước láng giềng và có thể là cả báo chí thế giới nữa. Báo chí ở thế giới có các tờ như Argus de Presse ở Paris và ở Genève như tờ báo Je lis tout đều có đề cập đến vấn đề này. Một chính phủ nghiêm túc cần có các tờ báo này. Đọc báo chí các nước láng giềng đó là nhiệm vụ của các lãnh sự, của các bộ trưởng. Đối với báo chí ở Đông Dương đã có những công chức lo việc này, họ không đọc báo tức là không làm việc. Cần có một công chức chuyên đọc các báo của Đông Dương và báo cho Toàn quyền Đông Dương những việc mà Toàn quyền phải lưu ý.
Một bài báo của chúng tôi về vấn đề Hoàng Sa có một điều đáng chú ý: Thời đó ông Krempf - Giám đốc viện Hải Dương học về nghề cá ở Đông Dương, dùng tàu “Lanessan” để nghiên cứu vùng biển tại Hoàng Sa, đã phải báo cho xí nghiệp của Nhật biết!? Vậy thì Hội đồng chính phủ có tồn tại hay không? Vậy thì các báo cáo gửi lên cho chính phủ bị quẳng vào sọt rác cũng như báo chí không? Chúng tôi muốn giới thiệu ở đây những báo cáo của Viện Hải dương học và nghề cá, khi họ tổ chức 2 lần khảo sát tại Hoàng Sa:
- Vào năm 1926:
Các bản đồ về vùng biển Hoàng Sa có lẽ phục vụ đầu tiên cho việc đánh bắt cá với phương tiện hiện đại là dùng lưới quét. Hải đồ này thể hiện cả một thềm lục địa trải dài và độ sâu tăng dần từ bờ ra khơi, đáng chú ý là các bãi ở độ sâu từ 40 đến 60 mét. Việc nghiên cứu vừa rồi cho biết, một dãy núi đảo riêng biệt hình thành nên quần đảo Hoàng Sa. Qua các lần thăm dò, vét bùn ở đáy biển thuộc các bãi đá ngầm, các đảo nhỏ cho thấy việc hình thành quần đảo này ở độ sâu từ 40 đến 100 mét. Quan sát bề mặt ta thấy dấu vết thời kỳ băng hà và băng tan phủ làm cho quần đảo xa dần bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho san hô phát triển. Giờ đây, là các bãi san hô sống, cát và sỏi san hô. Cuối cùng, cuộc thăm dò trên đã khảo sát toàn bộ bãi đá của thềm lục địa là nền móng, chân đê của quần đảo Hoàng Sa. Dưới đây là những kết luận ban đầu:
Bãi đá dưới lòng biển của quần đảo Hoàng Sa nhô lên một cách đột ngột giữa biển, từ đáy sâu hàng ngàn mét, tạo thành một vực thẳm nằm cách mặt nước khoảng từ 40 đến 100 mét như đã trình bày ở trên. Ở độ sâu như vậy, dọc bờ biển Đông Dương thềm lục địa cũng trải dài song song với bờ biển. Đó là do vào thời kỳ băng hà, những bãi băng đã bị nước biển bào mòn, nên hạ thấp xuống từ 40 đến 100 mét, tương tự như tại các vùng biển và đại dương trên thế giới.
Người ta tin rằng, những bãi bằng ở độ sâu thích hợp như vậy tại Hoàng Sa thì hải sản phát triển rất phong phú, với nhiều thứ đặc sản của vùng này. Cuộc điều tra cũng cho biết, có một số thuyền của ngư dân Trung Quốc đến đây để đánh bắt rùa biển, các loại tam chỉ (3 ngón chân - tridaches) mà người Trung Quốc rất thích vì thịt ngon hay các loại hải sâm (trépangs) và các loại hải sản khác.
Không những người chuyên đánh bắt cá mà cả những nhà hàng hải, hàng năm đi và về trên đường hàng hải Hải Nam - Singapore, gặp phải mùa gió bão đều đến trú tại Hoàng Sa, để giảm bớt căng thẳng, thiệt hại trong mùa đầy bất trắc này. Trong dịp nghiên cứu tại vùng này, từ thông tin của những người đánh bắt cá bản xứ, cho biết, các bãi phẳng dưới đáy biển có các đảo nhỏ nhô lên của quần đảo Hoàng Sa, có thể dùng lưới quét của người Âu lẫn người bản xứ. Các nghiên cứu cho biết, do san hô đã phủ mặt nước nên không thể dùng được lưới đáy tại đây.
- Báo cáo cho Hội đồng chính phủ trong phiên họp thường kỳ 1926
Những mẫu vật lấy từ Hoàng Sa năm 1926, được phòng thí nghiệm vật liệu phân tích cho thấy: cấu tạo của các mỏ phosphat phân bổ đều trên bề mặt các đảo, cao hơn mực nước biển nên cây cối rất phát triển. Tất cả các đảo đều có nguồn gốc từ san hô, như chúng tôi đã báo cáo vào năm 1926. Nguồn gốc thổ nhưỡng ở đây trước khi chuyển hóa, được cấu tạo thành các-bô-nát vôi (carbonate chaus), chính trên thực thể đó đã tạo nên rừng, với nhiều cây cối tại Hoàng Sa. Rừng phát triển nhờ hạt cây khắp nơi trôi dạt đến, rất nhiều chim biển tìm chỗ trú ẩn tại đây vào ban đêm. Thức ăn của chúng như cá và các loài hải sản khác, đã cung cấp axit photphoric. Khí hậu ở quần đảo Hoàng Sa mát mẻ và ẩm ướt vì nhiều mưa, nên axit photphoric tan, ngấm vào lòng đất. Chúng tôi chưa tính được độ sâu đó, chỉ áng chừng khoảng 1 mét, nhờ căn cứ vào các các giếng nước.
Trên mặt đất, là sự kết hợp giữa axit photphoric và các mảng san hô to hoặc mịn, sau khi chuyển thành phosphat, tỉ lệ kết hợp này là từ 23 đến 25%. Ở tầng sâu là các tảng đá, có kết cấu sạn dính nhau hoặc đá san hô vụn rất cứng. Tất cả bị mất axit cacbonic chuyển thành phosphat, các loại đá giữ được cấu trúc nguyên thủy, ta nhận biết điều này qua sự hóa thạch của đá san hô, ở độ sâu các lớp phosphat đó có tỉ lệ 42% axit photphoric.
Việc phân tích này, là do chúng tôi phối hợp cùng Giám đốc phòng thí nghiệm hóa học tại Sài Gòn và ông Michel. Thật thú vị về nguồn axit photphoric tại Hoàng Sa. Cho tới nay, một công ty của Nhật Bản đã đến khai thác tại đảo Phú Lâm, vào tháng 6-1926, khi chúng tôi đến thì họ bỏ đi vì tài nguyên nơi đây đã cạn kiệt. Họ đã chuyển sang khai thác ở đảo Hữu Nhật (Robert).
- Báo cáo của Sở Dịch vụ Hải dương và nghề cá ở Đông Dương trong 2 năm 1927-1928:
Nếu như quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc thì ông Kermpf làm sao có thể dùng ngân sách Đông Dương, để đi khảo sát quần đảo này như đã làm vào năm 1926. Những thông tin thu thập được cho thấy quần đảo này chỉ gồm những đảo đá ngầm, không mang lợi ích mấy về khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Hoàng Sa không phải là nơi thuận lợi để tiến hành khai thác hải sản và phân chim, mà quan trọng nhất là về mặt an ninh hàng hải, về hoạt động của cảnh sát biển để bảo vệ Đông Dương, nhất là về mặt nghiên cứu khoa học.
Điều đáng chú ý là, các đảo đá ngầm tại đây gây trở ngại cho con đường hàng hải từ Sài Gòn - Hồng Kông, Singapore - Hồng Kông. Các tàu qua lại muốn tránh bãi đá ngầm này thì phải đi chệch về hướng Đông hoặc hướng Tây của quần đảo Hoàng Sa. Bởi vì, Hoàng Sa nằm trong vùng có những dòng chảy và những cơn bão lớn, muốn tránh tai nạn trong những ngày thời tiết xấu hay những đêm không trăng sao, thì rất cần có một hải đăng đặt trên đảo Tri Tôn (Triton) hoặc trên đảo Quang Ảnh (Money); cùng với những tín hiệu đèn, phao ở đảo Tri Tôn và trên các đảo ngầm phía Bắc.
Hải đăng có nhiệm vụ rất quan trọng về mặt quan sát khí tượng, bởi vì các cơn bão thường xuất hiện giữa Mamila (Philipins) và Đà Nẵng. Phải trang bị một đài V.T.Đ [vô tuyến điện - ND] với tần sóng ngắn, để liên lạc hằng ngày với Đài khí tượng Kiến An và với các tàu bè đang đi lại ngoài khơi. Nhờ sự tiến bộ của vô tuyến điện, đã giúp những người canh giữ hải đăng tránh được sự buồn rầu cô đơn, nhờ trò chuyện được với đất liền. Như thế, vì lợi ích khoa học và an toàn hàng hải, nước Pháp - một nước có quyền hạn không thể chối bỏ được tại Hoàng Sa, mà lại để cho một công chức ngu ngốc, từ chối công việc này bảo vệ chủ quyền tại quần đảo này.
Có thể xây dựng một hải đăng với trạm quan sát và một bưu điện nhỏ, có V.T.Đ tại Hoàng Sa. Chúng tôi tin tưởng rằng, sau một thời kỳ lộn xộn như hiện nay thì Phủ Toàn quyền Đông Dương sẽ tiến hành điều này mà sẽ không từ chối, bởi vừa rồi Sở Lục bộ (travause publics) đưa ra một dự tính kinh phí rất phi lý. Chúng ta biết rằng, Sở Lục bộ không thể xây dựng một điểm báo ở cửa Nam Triệu tại Hải Phòng thì làm sao có năng lực xây dựng một hải đăng tại Hoàng Sa. Tuy nhiên, hiện ở Bắc Kỳ có đơn vị có thể đảm nhận việc này và nước Pháp - một nước có được những nhà chuyên môn tài ba và có đầy đủ vật chất thì chắc chắn sẽ làm được.
Chỉ có điều là, cần tiến hành một nghiên cứu về địa lý một cách nghiêm túc và đầy đủ về quần đảo Hoàng Sa. Ông Kermpf đã có được những hiểu biết với một quan điểm rất đặc thù về vấn đề này. Cần phải tiến hành việc nghiên cứu trong thời gian 2 đến 3 tháng, bởi các chiến hạm nhỏ, với sự trợ giúp của thủy phi cơ sẽ nghiên cứu một cách toàn diện về vấn đề hàng hải (đá ngầm, bến tàu thủy, bến cho thủy phi cơ) về quan điểm địa lý, bản đồ các đảo, nghiên cứu về thổ nhưỡng, động vật, đánh dấu các vị trí... và như thế, mới có điều kiện để chọn vị trí xây dựng hải đăng. Có thể xác định được chính xác các bãi đậu của tàu bè, thủy phi cơ, các hồ nước mặn trên đảo Bông Bay (Bombay), bến đậu của các tàu lớn ở phía tây Nam đảo Linh Côn (Lincoln) - nơi có nước ngọt. Bến đậu của thủy phi cơ trong nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite), bến đậu của tàu gần đảo Phú Lâm (Ile Boisée), bến đậu của thủy phi cơ và đảo cây (Ile de l’arbre) trong nhóm đảo phía bắc, bến đậu của thuyền và thủy phi cơ ở hồ nước mặn trên đảo Tri Tôn (Triton)...
Đối với nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Croissant) thì rất thú vị, vì có nhiều điểm đậu tàu ở các đảo Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond), Hoàng Sa (Pathe), Hữu Nhật (Robert). Ở những đảo này, có một hệ thống thực vật phong phú, có nước ngọt, có chỗ đậu cho tàu trong thời tiết gió mùa Tây Nam tại đảo Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Rõ ràng, quần đảo này cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của bọn cướp biển và nếu như Trung Quốc - với hư danh về chủ quyền mà họ tự nhận, thì họ sẽ thiết lập một căn cứ tàu ngầm, để kiểm soát cửa ngõ vào Vịnh Bắc kỳ và đường hàng hải từ Singapore, Sài Gòn đi Hồng Kông.
Có thể do thất bại về ý định phát triển công nghiệp, nên người Nhật không thực hiện việc khai thác phân chim, cũng như việc nghiên cứu toàn diện về phân chim trên các đảo tại đây. Trong bất cứ trường hợp nào, sự thiển cận và bỏ bê việc thiết lập chủ quyền của Pháp tại quần đảo này của Phủ Toàn quyền Đông Dương hoặc Chính phủ Pháp thoái lui vì sợ chi phí tốn kém, thì hãy mời người Anh, người Nhật cùng hợp tác để thực hiện khai thác tại Hoàng Sa, còn Trung Quốc thì không thể để họ tham gia, do họ không đủ tư cách và năng lực. Hoạt động của cảnh sát biển, phải dành cho nước có năng lực thực thi, để đem lại lợi ích chung. Những hành động của bọn cướp biển mới đây tại Bias Bang hay ngoài khơi ở Vịnh Bắc kỳ, là một cảnh báo đầy đủ đối với chúng ta. Trung Quốc không đủ khả năng để gìn giữ an ninh ngay trên bờ biển của họ, bởi vì họ không có một sĩ quan hải quân nào chỉ huy được một con tàu rời bến cảng, để đến điểm nào đó, nhằm bảo đảm cho tất cả các con tàu của các quốc gia không trang bị vũ khí, được đi lại một cách tự do trên biển, ngay cả dọc theo các bờ biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Và người ta cho rằng, những điều vô giá nói trên, chỉ dành cho nước Pháp và đế quốc Anh, nhằm bảo đảm cho hàng ngàn tàu đi trên biển mà không cần phải mang theo một khẩu đại bác hay một pháo thủ nào. Người ta nghĩ rằng, phải có một nền an ninh chung bình yên trên biển cả, đòi hỏi cảnh sát biển phải thực thi nhiệm vụ của mình, mà quần đảo Hoàng Sa là một trong những trạm gác dành cho cảnh sát biển của Pháp.
Nhốm tác giả:
Huỳnh Phương Bá
Nguyễn Phước Tương
Nguyễn Trương Đàn
(Lượt dịch)
[1]. Bài đăng trên Tuần báo L’éveil, số 602, ngày 30-12-1928. Huỳnh Phương Bá, Nguyễn Trương Đàn dịch và giới thiệu.
Theo dangbodanang.vn