23/08/2018
Khi sôi nổi, lúc lặng thầm, song, các hoạt động đấu tranh khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn diễn ra liên tục, hằng ngày, hằng giờ. Hai tiếng Hoàng Sa luôn thiêng liêng, khắc khoải trong tim mỗi người.
Đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa, các thế hệ sau hiểu hơn về chủ quyền biển, đảo để từ đó thêm yêu, có trách nhiệm với đất nước. Ảnh: THANH TÂN
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đã khẳng định như thế khi nhắc đến Hoàng Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm chiếm trái phép. Ông cho rằng, một trong những bằng chứng thể hiện quá trình đấu tranh không mệt mỏi của người dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung chính là đưa vào hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa - một thiết chế văn hóa - lịch sử, có ý nghĩa về mặt chính trị hết sức đặc biệt.
Nhân chứng lịch sử
“Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, khẳng định Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã có quá trình khai phá, chiếm hữu, xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế...
Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam có từ rất lâu đời. Trong lịch sử, quần đảo Hoàng Sa còn có tên gọi là “Bãi Cát Vàng” và tên thường được gọi trên hải đồ quốc tế là Paracels, nằm ở Biển Đông, cách bờ biển Đà Nẵng 170 hải lý, tương đương 315km...”.
Giọng thuyết minh viên Nhà trưng bày Hoàng Sa Trần Thị Lê Na lưu loát, hào sảng kể cho khách tham quan câu chuyện về Hoàng Sa suốt chiều dài lịch sử. Ở đây, 5 chủ đề về chủ quyền Hoàng Sa qua nhiều giai đoạn lịch sử đối với đất nước ta được cô thuyết minh viên nhỏ nhắn dẫn dắt đầy thu hút.
Dẫu đã đọc khá nhiều tài liệu, bài viết về Nhà trưng bày Hoàng Sa, song, khi làm một du khách thực thụ, chúng tôi không khỏi xúc động bởi những câu chuyện phơi bày chân xác đến từng chi tiết, những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa đối với đất nước Việt Nam.
Từ thế kỷ 17, trong tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam được in trong Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư do Đỗ Bá (tự Công Đạo) vẽ vào năm 1686, đã miêu tả rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng; tờ bản đồ vẽ hình thế phủ Quảng Ngãi được in trong tập Thiên hạ địa đồ, biên soạn vào thời Lê và sao lục vào thời Nguyễn, có miêu tả về địa danh Bãi Cát Vàng...
Hay, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) đã dành nhiều trang viết về quần đảo Hoàng Sa mà ông gọi là Đại Trường Sa, ghi nhận các hoạt động khai thác và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa qua sự việc chúa Nguyễn đã lấy 70 suất dân đinh ở làng An Vĩnh (phủ Quảng Ngãi) bổ sung vào lực lượng quân sự chuyên nghiệp, hàng năm ra quần đảo Hoàng Sa để khai thác các tài nguyên quý giá và thâu lượm những sản vật quý từ những tàu đắm đem về nộp cho phủ chúa.
Nhiều tài liệu, châu bản ghi lại việc các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề thực thi chủ quyền thông qua việc liên tục cử người ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các thuyền bè của Việt Nam và các nước khác khi gặp nạn trên biển; ban hành, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi công vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa...
Không chỉ trong các tài liệu, thư tịch cổ của nước ta, nhiều bản đồ, tài liệu của các tác giả phương Tây như “An Nam đại quốc họa đồ” do giám mục Taberd vẽ vào năm 1838 đã thể hiện rất rõ hình thể của nước Đại Nam có một cụm đảo bao gồm nhiều đảo được ông ghi chú là “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel hay Cát Vàng); bản đồ Partie de la Cochinechine của Philippe Vandermaelen xuất bản tại Bỉ vào năm 1827 cũng khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của đế chế An Nam...
Các tài liệu ghi lại việc thực dân Pháp (sau 1858) với tư cách là đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp đã tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục sứ mệnh khẳng định chủ quyền, lên án hành động xâm lược ngang ngược của Trung Quốc năm 1974... đều là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều tư liệu, bản đồ của chính Trung Quốc như Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Đại Sán (1696), bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của nhà Thanh năm 1904... được lưu giữ, trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa đều cho thấy cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề đề cập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo chân thuyết minh viên, chúng tôi lặng người trước chuyện kể về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân đảo Lý Sơn tổ chức tại đình làng An Vĩnh vào ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa ngày trước, vì thực thi nhiệm vụ vua ban thường “một đi không trở lại”. Để xác lập, bảo vệ chủ quyền, những người lính Việt từ xa xưa đã sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống như thế.
Đến đoạn kể về sự hy sinh của thiếu tá Nguyễn Thành Trí - hạm phó Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng trong trận hải chiến ngày 19-1-1974 đau thương thì cả thuyết minh viên lẫn khách tham quan không ai kìm được nước mắt. Câu chuyện về Hoàng Sa bởi thế luôn là niềm đau đáu về sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi người con đất Việt.
Đấu tranh hằng ngày, hằng giờ
“Vừa rồi tôi được phân công tiếp và trả lời phỏng vấn đoàn truyền hình Pháp đến Đà Nẵng theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại nhà trưng bày này. Họ rất ấn tượng với nội dung và hình thức trưng bày các chứng cứ có giá trị lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của người Việt đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Họ đặc biệt chú ý đến các bản đồ Trung Quốc do các nhà hàng hải phương Tây và nhất là do chính người Trung Quốc vẽ từ các thế kỷ trước. Họ hỏi tôi tại sao các ông lại trưng bày ở đây các bản đồ cổ của Trung Quốc?
Tôi trả lời rằng sở dĩ như vậy vì chúng tôi muốn nhấn mạnh một sự thật khách quan: chính người Trung Quốc cũng công khai thừa nhận biên giới cực nam của nước họ chỉ dừng ở đảo Hải Nam và… chấm hết, không hề có câu chuyện “tổ tiên họ để lại” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng tôi”, ông Bùi Văn Tiếng kể.
Một số ý kiến khác nhận xét, không chỉ bên trong, không gian trưng bày ngoài trời của Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng rất ấn tượng. Bản thân kiến trúc tòa nhà này mô phỏng theo con dấu chủ quyền thời Minh Mạng, với lá quốc kỳ ở mặt tiền cũng là một nội dung được trưng bày và giới thiệu hấp dẫn với khách tham quan.
Hay con thuyền của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm trong sự kiện “Hải Dương 981” cũng là một nội dung trưng bày. Gần đây, trong Hội nghị Thành ủy mở rộng lần thứ 13, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã có ý kiến chỉ đạo không nên trưng bày con tàu này ở phía sau tòa nhà mà phải đàng hoàng đưa ra phía trước tòa nhà.
Một vài câu chuyện trên để thấy, chuyện về Nhà trưng bày Hoàng Sa không của riêng ai. Mỗi người góp một chi tiết, một ý tưởng để thiết chế văn hóa - lịch sử này phát huy giá trị hơn nữa. Nơi đây là nhân chứng, và sẽ là đại diện của tiếng nói nhiều thế hệ về cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì Hoàng Sa, vì toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Theo baodanang.vn