29/03/2018
Sau hơn 2 năm xây dựng, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức đón tiếp khách tham quan trong và ngoài nước từ ngày 28-3-2018 nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3). Công trình trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, thắp sáng ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 |
Ngay sau khi khánh thành ngày 28-3, Nhà trưng bày Hoàng Sa phục vụ khách tham quan. TRONG ẢNH: Các em học sinh trường THCS Hoàng Sa tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa ngày 28-3. |
Theo ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ, để chuẩn bị cho Nhà trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động, từ năm 2015, UBND huyện đã chuẩn bị tuyển dụng đội ngũ nhân sự Ban quản lý Nhà trưng bày gồm 12 người có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên ở các ngành đáp ứng với đề án vị trí việc làm phục vụ hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Cũng từ năm 2015, UBND huyện hoàn thành đề cương Nhà trưng bày Hoàng Sa nhằm tổ chức trưng bày hơn 500 hiện vật liên quan đến Hoàng Sa mà UBND huyện đang lưu giữ. Cho đến nay, công tác bố trí hiện vật cơ bản hoàn thành và có thể đáp ứng nhu cầu khách tham quan ngay sau khi khánh thành.
Khách tham quan được thưởng lãm các hiện vật trưng bày từ tầng 1 đến tầng 4 gồm hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh, hỗ trợ bởi kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện như video, kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý, tự nhiên, hành chính Hoàng Sa…
Nội dung trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa theo 5 chủ đề, gồm: vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa thời các Chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa năm 1945-1975 và bằng chứng giai đoạn từ 1974 đến nay.
Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công cho hay, để chuẩn bị cho hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa sau khi khánh thành, 2 thuyết minh viên Trần Thị Lê Na (thuyết minh tiếng Việt) và Đào Thị Trúc Giang (thuyết minh tiếng Anh) đã tổ chức tập dượt hơn 3 tháng trước đó; đến nay cả hai thuyết minh viên đều đã nhuần nhuyễn nhiệm vụ của mình.
“Trước khi học để nhớ nội dung thuyết minh từng hiện vật, tôi đã có một thời gian dài tự nghiên cứu kiến thức địa lý, lịch sử hình thành chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, kiến thức pháp luật quốc tế và của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển, đảo.
Sau đó, tôi mới học chi tiết nội dung liên quan đến mỗi hiện vật, hình ảnh được trưng bày. Sau khi thuộc nằm lòng nội dung thuyết minh, tôi tập trung vào phong cách diễn đạt, ngữ điệu làm sao thu hút, hấp dẫn, ấn tượng với người nghe”, thuyết minh viên Trần Thị Lê Na cho biết.
Cũng theo Lê Na, yêu cầu ban giám đốc Nhà trưng bày đặt ra cho thuyết minh viên là phải tìm hiểu kỹ về mỗi hiện vật trưng bày. Lê Na cho hay, trong quá trình tập luyện thuyết minh, chị rất tâm đắc tập trung cảm xúc thuyết minh vào sự kiện khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 và tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5-2014.
“Cùng với các thông tin về các hiện vật trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, em mong muốn mình góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tạo một niềm tin về cuộc đấu tranh giành lại Hoàng Sa một ngày nào đó sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng”, Na nói.
Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện cho biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa phục vụ người dân thành phố và du khách tham quan ngay sau khi khánh thành. Ngoài thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh, UBND huyện Hoàng Sa cũng có kế hoạch tổ chức thuyết minh bằng một số tiếng nước ngoài khác phục vụ du khách nước ngoài có nhu cầu tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa.
* Ông Trần Sơn, từng công tác tại quần đảo Hoàng Sa năm 1973: Hoàng Sa luôn trong lòng người dân Việt Nam
Tôi ra Hoàng Sa sau khi Pháp ký Hiệp định Genève và trở về vào cuối năm 1973. Đến ngày 19-1-1974, nghe tin Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, tôi buồn vô hạn và đau đáu ngày giành lại vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng ta có những nhân chứng sống từng làm việc tại quần đảo Hoàng Sa; chúng ta còn lưu giữ cả vật dụng như nồi đồng, nồi đất từng dùng ở Hoàng Sa... Điều đó cho thấy sự thật hiển nhiên rằng người Việt Nam làm việc, sinh sống tại Hoàng Sa từ lâu đời và Hoàng Sa luôn trong lòng người dân Việt Nam.
Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là nơi để thế giới thấy điều đó, hun đúc trong lòng người dân Việt Nam tình yêu và quyết tâm giành lại Hoàng Sa, đồng thời gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam.
* Nguyễn Ngọc Diễm (học sinh Trường THCS Hoàng Sa, quận Sơn Trà): Hiểu hơn về chủ quyền biển đảo
Chúng em được dạy, được học rằng Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc. Tuy nhiên, trực tiếp nhìn thấy những hiện vật và nghe thuyết minh về Hoàng Sa, em hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và càng tự hào về ngôi trường mình đang theo học được vinh dự mang tên Hoàng Sa.
* Anh Lê Thành Huy (quận Hải Châu): Hun đúc niềm tự hào dân tộc
Tôi được giới thiệu về kiến trúc của Nhà trưng bày Hoàng Sa và khá ấn tượng với ý tưởng đưa con triện (dấu) của nhà Nguyễn - tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa từ thế kỷ 18 vào hình hài của Nhà trưng bày và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bằng đèn LED rực sáng vào buổi tối như Tổ quốc trông ngóng ra Hoàng Sa.
Bên trong Nhà trưng bày có mô hình cột mốc chủ quyền của các nhà nước Việt Nam trong quá trình lịch sử làm chủ Hoàng Sa và ngọn hải đăng của chính phủ Việt Nam cộng hòa thiết đặt tại Hoàng Sa. Tôi sẽ đưa gia đình đến đây tham quan như một cách giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Cũng như mọi người dân Việt Nam, tôi luôn tin một ngày nào đó, Hoàng Sa sẽ lại về với đất mẹ Việt Nam.
NGỌC HÀ ghi
|
Bài và ảnh: SƠN TRUNG (Theo BĐN)