28/05/2018
Theo công bố mới đây, trong cả nước, cấp xã chiếm hơn 80% tổng số đơn vị hành chính (11.164 xã, phường, thị trấn). Ðây là cấp hành chính gần dân nhất trong hệ thống hành chính nhà nước. Chính quyền xã không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định, mà còn phải chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn; cùng chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Chỉ với Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay đã cho thấy vai trò quan trọng của chính quyền cơ sở.
Chính quyền xã đã tạo nên thành quả góp phần vào sự phát triển chung của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, cấp xã ở nhiều địa phương đã không hoàn thành tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ. Ðó là việc lãnh đạo, chỉ đạo chạy theo thành tích; việc huy động quá sức dân; triển khai đầu tư xây dựng công trình phúc lợi lãng phí, kém hiệu quả; chưa coi trọng vấn đề phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân; vi phạm quy định về quản lý đất đai; bồi thường giải phóng mặt bằng... gây bức xúc trong nhân dân, nhiều nơi gây ra khiếu kiện vượt cấp kéo dài, mất ổn định tình hình địa phương.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, có nguyên nhân vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cấp xã chưa được phát huy đầy đủ, còn nhiều hạn chế, lúng túng trong cả phương thức và hành động thực tế. Khoản 1, Ðiều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định ‘’... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội".
Trên thực tế, ở nhiều địa phương, MTTQ cấp xã đang tập trung vào những việc thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân. Tuy nhiên, MTTQ cấp xã còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều, phản biện còn ít; một số nơi làm hình thức, thụ động;... dẫn đến việc giám sát, phản biện xã hội ở cấp xã còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả.
Giai đoạn hiện nay, cần phát huy chức năng, vai trò giám sát của MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên; bảo đảm nguyên tắc phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân và các thành viên của mặt trận không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; thực hiện công khai, minh bạch.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cấp xã cần hướng mạnh vào nội dung theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương. Thể hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, chủ trương không phù hợp, trái pháp luật trên địa bàn; phát hiện những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực nhằm tuyên truyền, nhân rộng.
Trần Hà Minh (Theo nhandan)