14/09/2017
Sáng 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.
 |
Tại điểm cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các ngành, các cấp không được lơ là với bão số 10. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Bão mạnh cấp 13, giật cấp 15
Đài khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong 3 giờ qua, bão số 10 tiếp tục mạnh lên. Hồi 10 giờ ngày 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh lên. Đến 10 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km; khoảng trưa đến chiều mai (15-9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Đến 22 giờ ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
 |
Dự báo hướng đi của bão số 10 của Hải quân Mỹ. |
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Từ chiều nay (14-9) vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (15-9) tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).
Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4). Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3). Sóng vùng tâm bão cao 10m, vùng ven bờ 5-6m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng mai (15-9), trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-8, đến trưa và chiều tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4); các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).
Cảnh báo mưa lớn: Từ nay đến hết đêm mai (15-9), ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm;
Từ ngày mai đến hết ngày 16-9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Đà Nẵng còn 162 phương tiện với hơn 1.300 lao động trên biển
Tại đầu cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các sở, ban ngành, các quận, huyện phải tập trung mọi lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão số 10 - cơn bão được dự báo mạnh, tầm ảnh hưởng rộng.
Chủ tịch UBDN thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ đội Biên phòng tập trung kêu gọi tàu, thuyền nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn; cấm tàu thuyền ra khơi; đồng thời tổ chức xắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn, không để xảy ra thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Các ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống; trong đó phải bảo đảm an toàn tại các hồ, đập; tập trung theo dõi chặt chẽ để có biên pháp di dời dân ở các khu vực trũng, thấp khi có lũ, lũ quét xảy ra.
Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, thực hiện công tác phòng, chống bão số 10, Ban Chỉ huy đã có các công điện, yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ ngày 13-9. Đồng thời đề nghị các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo cho nhân dân biết tin cảnh báo mưa lớn để chủ động phòng tránh.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng thành phố, tính đến 5 giờ sáng 14-9, thành phố còn 162 phương tiện/ 1.312 lao động đang hoạt động trên biển.
 |
Hơn 1.400 phương tiện đã vào bờ neo đậu an toàn. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Cụ thể: 1 phương tiện/ 10 lao động hoạt động vùng biển đông Hoàng Sa; 3 phương tiện/ 34 lao động hoạt động vùng biển tây Hoàng Sa (đang trên đường về Đà Nẵng tránh bão); 5 phương tiện/ 30 lao động đã vào neo đậu ở Cát Bà/ Hải Phòng; 9 phương tiện/ 33 lao động hoạt động vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình (đang trên đường vào tránh bão); 68 phương tiện/ 624 lao động hoạt động vùng biển từ Quảng Trị đến Huế; 14 phương tiện/ 98 lao động hoạt động vùng biển Huế đến Đà Nẵng; 3 phương tiện/ 21 lao động đang hoạt động vùng biển Quảng Ngãi – Bình Định; 59 phương tiện/ 462 lao động hoạt động vùng biển từ Đà Nẵng – Quảng Nam và ven bờ Đà Nẵng.
Tất cả các phương tiện trên biển hiện đã nắm được tình hình, hướng di chuyển của bão, hiện đang di chuyển vào bờ hoặc các khu vực neo đậu trú tránh bão.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố triển khai phương án phòng chống ngập khu vực đô thị, sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu, cứu chữa người bị nạn khi xảy ra thiên tai. Sở Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn cho học sinh trên địa bàn khi xảy ra thiên tai.
Đề nghị Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài Phát thanh và truyền hình Đà Nẵng tăng cường công tác phát tin về bão số 10 và cảnh báo tình hình mưa lớn để các cơ quan, nhân dân biết, chủ động đối phó.
Yêu cầu UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành nghiêm túc tổ chức trực ban 24/24 giờ, liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, báo cáo với UBND thành phố và theo dõi các bản tin khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham khảo thêm ở các phương tiện khác để chủ động đối phó với cơn bão này.
Theo BDN