07/06/2017
Sáng ngày 16/5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc ban hành quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
 |
Quang cảnh Hội nghị. |
Ở điểm cầu Đà Nẵng, tham dự có bà Đặng Thị Kim Liên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; ông Phạm Quý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thành phố.
Theo báo cáo tại hội nghị, kể từ khi có Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội đã được hiện thực hóa; hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Ba năm qua,ở Trung ương, MTTQ phối hợp 10 Bộ, ngành triển khai chương trình giám sát ở các vấn đề, lĩnh vực như: chính sách người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ở 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát; riêng ở Đà Nẵng trong 3 năm cấp thành phố đã tổ chức 17 cuộc giám sát, cấp quận, huyện tổ chức 104 cuộc giám sát, cấp phường, xã tổ chức 871 cuộc giám sát.
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp. Qua giám sát, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành đã chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, như: Hiện nay để thực hiện tốt công giám sát và phản biện xã hội thì phải đổi mới công tác Mặt trận theo phương châm gần dân, bám trụ kiên trì và mềm dẻo, phân công rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần có phương pháp, quy trình giám sát, quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm tiêu cực được phát hiện và trách nhiệm giải trình của cấp ủy, chính quyền.Bên cạnh đó, Trung ương cần tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể trong lĩnh vực giám sát và phản biện, nâng cao việc phối hợp trong cung cấp thông tin giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hải cho biết, hiện nay công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Đà Nẵng được dư luận hoan nghênh và đồng tình. Theo ông, trong công tác giám sát và phản biện phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của chính quyền, sự thống nhất trong cơ quan và sự công khai minh bạch trong quá trình giám sát. Ông Nguyễn Đăng Hải cũng chia sẻ, cái khó của người làm công tác Mặt trận hiện nay là công việc thì nhiều nhưng người làm công tác Mặt trận lại ít nên không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đăng Hải, để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới Trung ương cần sớm xây dựng và ban hành cơ chế, các quy định cụ thể để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; cần quan tâm, tạo điều kiện về tổ chức, cán bộ đối với hệ thống MTTQ các cấp; phải xây dựng lực lượng cán bộ và các chuyên gia có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm vận đồng quần chúng, đặc biệt có bản lĩnh vững vàng trong giám sát và phản biện xã hội.
Ý kiến của các tỉnh, thành phố cũng chỉ ranhững khó khăn trong công tác giám sát và phản biện xã hội như, hiện nay các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ nên Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện giám sát. Cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát và phản biện của Mặt trận. Cán bộ Mặt trận các cấp nhất là cấp quận, huyện và phường, xã năng lực còn yếu nên ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Sau giám sát, mặc dù Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã có kiến nghị cụ thể nhưng đơn vị địa phương được giám sát vẫn chưa tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị. Việc thực hiện còn nặng về hình thức, cán bộ giám sát vẫn còn tâm lý ngại va chạm, nể nang không thẳng thắn nêu chính kiến của mình khi giám sát.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong 3 năm qua việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị được tiến hành tích cực và có nhiều kết quả ý nghĩa; mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương không trực tiếp tham gia giám sát nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện triển khai các chương trình giám sát. Việc thực hiện giám sát, phản biện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đủ sức đeo bám đến cùng. Qua thực tiễn giám sát cho thấy Mặt trận phải lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi với chính quyền, cấp uỷ để chọn vấn đề giám sát để từ đó xác định được các vấn đề trọng tâm, tạo được sự đồng thuận, đồng tình trong giám sát.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, sắp tới, Mặt trận Trung ương sẽ phối hợp với Ban Dân vận Trung ươngxây dựng và phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam” nhằm giúp cán bộ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về công tác giám sát và phản biện xã hội.
Thanh Tuyền