29/03/2017
Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí rất say mê đọc Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin... từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công. Quan diểm và phương pháp của đồng chí Lê Duẩn chính là thể hiện sự trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã thực hiện xuất sắc những điều toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hứa trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân. Cuộc đời hoạt động gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Vai trò lãnh đạo của đồng chí thể hiện nổi bật ở những giai đoạn cách mạng:
Năm 1939 khi được giao trọng trách ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng tháng 11-1939. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của mặt trận dân tộc thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Quân và dân Nam Bộ đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại hoàn toàn âm mưu địch đánh chiếm Nam bộ, tách Nam bộ khỏi Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để thôn tính cả nước ta. Từ thành công của kháng chiến ở Nam bộ, Đảng ta đã rút ra những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng ở vào một thời điểm lịch sử đầu thử thách cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bướce hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và hương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Trong những năm đen tối dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí trần đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà “Đề cương cách mạng miền Nam” nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và BCHTW Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng đi lên CNXH, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Ban Chấp hành Trung ương từng bước xây dựng hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và đã lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng, đưa nước ta đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh và tiếp tục tiến lên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo kiệt xuất của của Đảng và nhân dân ta.
(Tổng hợp theo Tài liệu Ban Tuyên giáo TW)
PHẠM PHÚ BÌNH