Cải tiến chất lượng
Để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, UBND thành phố đã ban hành các văn bản giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong đó giao chỉ tiêu gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đến cuối năm 2022 đạt tối thiểu 85% dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến và đạt 65% hồ sơ trực tuyến (trên tổng số hồ sơ tại cơ quan, đơn vị). Đến nay, toàn thành phố có 85,75% dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực truyến đã đạt 67%.
Song song đó, UBND thành phố đã chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến thông qua việc triển khai Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng; triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính số.

Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố
Ngoài ra, các đơn vị của thành phố đã ban hành các chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện đã có 6 cơ quan, địa phương giảm phí, lệ phí; nội dung/phạm vi giảm lệ phí bao gồm: UBND quận Hải Châu, UBND xã Hòa Bắc, UBND phường Hòa Hải, UBND phường Thạch Thang, UBND phường Xuân Hà, UBND phường Thanh Khê Tây.
Đồng thời, ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2020 có 4 cơ quan, địa phương, năm 2021 có 8 cơ quan, địa phương và năm 2022 có 15 cơ quan, địa phương thông báo áp dụng. Tiêu biểu như: Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông và Phát triển Nông thôn,..
Tăng mức độ hài lòng của người dân
Thành phố Đà Nẵng xác định, đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nên phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT, điển hình là Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng.
Với nền tảng này, mỗi người dân thành phố có một tài khoản công dân số và Kho dữ liệu trên Hệ thống để sử dụng dịch vụ công, tiện ích của chính quyền, giúp giảm thành phần hồ sơ. Hồ sơ công dân số do người dân đăng ký và được hệ thống cấp phát tài khoản nhằm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ trong quá trình sử dụng dịch vụ công. Tài khoản công dân số do công dân quản lý để sử dụng các dịch vụ, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có; sử dụng thông tin, dữ liệu, kết quả thủ thục hành chính số của mình để nộp hồ dịch vụ công các lần sau. Ngoài ra, mỗi người dân có 1 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia các thông tin được mã hóa để sử dụng trong các giao dịch dịch vụ công như: dịch vụ với chính quyền, doanh nghiệp: điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng; kiểm soát vào/ra...

Đà Nẵng xác định, đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp
Với việc đưa vào vận hành chính thức nền tảng công dân số My Portal, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên thiết lập kho dữ liệu riêng cho từng người dân. Các loại dữ liệu số được người dân cập nhật và lưu trữ trên Hệ thống gồm giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy khai sinh… và các giấy tờ thành phần hồ sơ khi người dân nộp thủ tục dịch vụ công và kết quả giải quyết dịch vụ công.
Nhờ đó, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân thành phố Đà Nẵng không còn phải khai báo lại, hoặc nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu. Đây được đánh giá là một giải pháp tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân; hướng đến hình thành công dân số, phát triển xã hội số tại thành phố.
Trước đó, Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát khung mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân, doanh nghiệp, tổ chức hài lòng với dịch vụ công trực tuyến ở mức cao.
Trong đó, việc rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý thành phần hồ sơ công khai minh bạch ở mức độ 3 và 4 đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Nền tảng Công dân số - My Portal được truy cập tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn/ hoặc https://myportal.danang.gov.vn
Anh Lê Đại Phán (trú tại quận Liên Chiẻu, thành phố Đà Nẵng) đánh giá: “Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tôi giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước qua hình thức trực tuyến, mà không cần đến tận nơi. Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, không mất công ngồi chờ, và rất thuận lợi trong công việc”.
Cũng như anh Phán, Chị Nguyễn Thị Bé (trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) rất hài lòng với việc sự dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, chị Bé cho biết, dịch vụ công trực tuyến là bước phát triển vượt bậc, hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp ở xa cần làm gấp các loại giấy tờ, mà không cần phải đến tận nơi.
Ngoài nền tảng công dân số, Đà Nẵng cũng đã triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) số. Đây là Hệ thống cho phép tự động tiếp nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được ký số từ Phần mềm Một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành, đồng thời, cho phép tổ chức/công dân, cán bộ công chức tải tài liệu ký số lên Kho để lưu trữ.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy như xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, trong đó có số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; triển khai Hệ thống quản lý nhân hộ khẩu và tổ chức thí điểm sử dụng dữ liệu nhân, hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, trong đó cập nhật, bổ sung thông tin CMND vào Hệ thống để thực hiện tra cứu; triển khai thí điểm bỏ thành phần hồ sơ là bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hồ sơ đã thực hiện tra cứu trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.
Theo danang.gov.vn