24/11/2019

Ngày 21/11, Ủy ba MTTQ Việt Nam Quận Liên Chiểu tổ chức hội nghị phản biện xã hội về giải pháp hỗ trợ bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng.

Dự hội nghị có ông Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu – Phó GĐ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố; Thạc sĩ  Đinh Thị Hoa Mỹ - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố; ông Đàm Quang Hưng – Phó Bí thư  Quận ủy Liên Chiểu; ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND quận. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các địa phương, các phòng, ban có liên quan; các chuyên gia và đại diện các hộ làng nghề nước mắm Nam Ô. 

Toàn cảnh hội nghị phản biện

Tại hội nghị, Bà Đinh Thị Hoa Mỹ - Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội thành phố trình bày tổng quan về Đề án, phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của làng nghề truyền thống mắm Nam Ô, trong đó cũng dự báo được về thời cơ và thách thức của làng nghề trong tương lai. Những thách thức lớn được Đề án nêu ra là sự cạnh tranh với thị trường, sự phong phú đa dạng các loại nước chấm công nghiệp với giá thành thấp cùng nhiều chiến lược quảng bá rộng, có sức ảnh hưởng lớn; sự biến động về giá cả và nguồn nguyên liệu không ổn định, rủi ro về thời tiết...

Đề án cũng đưa ra các giải pháp bảo tồn làng nghề với sự tham gia của cộng đồng, hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp; bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch; phát triển làng nghề trong sự hài hòa bảo vệ môi trường. Mục tiêu là phát triển nước mắm Nam Ô thành sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và hình thức, có sự hỗ trợ nâng cao kiến thức về quản lý, sản xuất kinh doanh, tiếp thị; xây dựng làng nghề thành điểm du lịch của thành phố... Một trong những giải pháp đặt ra là khôi phục lại đội tàu tại phường Hòa Hiệp Nam, khuyến khích người dân địa phương vay vốn đóng tàu đi biển; đào tạo đội ngũ kế cận nghề truyền thống, tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội...Về môi trường, mùi và xác mắm hiện nay chưa có phương án bảo vệ môi trường nào, theo Đề án thì sẽ có sự nghiên cứu liên kết với các hợp tác xã xử lý xác mắm thành phân bón cho sản xuất nông nghiệp; đề xuất chỉnh trang đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đề xuất khu trưng bày sản phẩm kết hợp ẩm thực địa phương; trùng tu cải tạo quần thể di tích tại làng Nam Ô, vận động hộ dân làm mắm tu bổ nơi sản xuất đẹp mắt, khang trang thu hút khách du lịch... 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Hoàng Thị Hải Yến phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị được nghe tổng hợp ý kiến của nhân dân. Ý kiến của người dân làng nghề tập trung vào 2 nhóm nội dung chính: Nhóm thứ nhất là làm thế nào để duy trì nghề sản xuất nước mắm tại làng nghề, tại địa phương ổn định? Nhóm thứ hai là làm thế nào để nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch có tên trên bản đồ địa phương? Bên cạnh 2 nhóm ý kiến của các hộ dân làng nghề, tại hội nghị, Ông Bùi Thanh Phú – Công ty TNHH Mắm Hồng Hương bày tỏ mong muốn Đề án sớm được hoàn thiện, thông qua và đưa vào triển khai thực hiện để bà con làng nghề ổn định phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Theo anh Phú, mặc dù thời gian qua làng nghề nước mắm Nam Ô đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều của lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành song hiệu quả mang lại thực tế vẫn chưa cao vì chưa có sự đồng bộ. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, diện tích sản xuất không đáp ứng được yêu cầu phát triển; bên cạnh đó cần có sự quan tâm hỗ trợ từ phía nhà nước để tân trang, thiết kế lại các cơ sở sản xuất cho bài bản, khoa học, sạch đẹp hơn. Về quảng bá thương hiệu thì nên thực hiện càng sớm càng tốt, không nhất thiết phải chờ đến năm 2021 mà có thể thực hiện ngay trong năm 2020. Doanh nghiệp Mắm Hồng Hương đề nghị “gắn sản xuất nước mắm Nam Ô với du lịch.” Cụ thể là có sự liên kết để đưa khách đến tham quan trải nghiệm tại các cơ sở chế biến mắm. Vận động bà con cùng hợp tác để tạo sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn du khách bằng cách thiết kế những ngôi nhà bích họa  - những câu chuyện về mắm để du khách đến tham quan tìm hiểu về nghề truyền thống kết hợp đưa du khách tham quan rạn Nam Ô bằng thuyền… Tăng doanh thu bằng cách tăng sản lượng, với giải pháp này, Ông Phú đề nghị chính quyền xem xét cụ thể mặt bằng tại phường Hòa Hiệp Bắc với 3000m2 đất nông nghiệp thời hạn đến năm 2046 của Công ty Mắm Hồng Hương và mong muốn chính quyền cho phép xây dựng mô hình mẫu mở rộng sản xuất và phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm.

Đại diện bà con làng mắm, Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề cũng thiết tha được sự quan tâm hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung ngay trên mảnh đất quê hương để bà con tham gia sản xuất được ổn định. Ông Đặng Dùng – công dân làng Nam Ô, người chuyên nghiên cứu về các giá trị văn hóa tại làng cũng bày tỏ sự ủng hộ nhưng cần phải đi vào chi tiết, cụ thể và sát thực tế hơn. Các đại biểu được mời tham dự cũng nêu quan điểm bổ sung, phân tích từ nhiều góc nhìn và mong muốn Đề án có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bao quát hơn nhất là quan tâm cụ thể về hướng đầu ra cho sản phẩm, giá thành sản phẩm, vấn đề về môi trường trong sản xuất, vấn đề an toàn thực phẩm; đồng thời có sự phân bổ về thời gian nhất định, chẳng hạn trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2022, 2025 cần phải tập trung làm những việc gì, triển khai như thế nào...

Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu – Phó GĐ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phát biểu: Muốn làng nghề được phát triển bền vững thì người dân phải sống được với nghề là yếu tố cốt lõi. Vì vậy việc tăng sản lượng và doanh thu phải đi kèm với tăng thu nhập bình quân. Khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng thì thu nhập bình quân của người lao động tại làng nghề hiện nay tầm 2-3 triệu đồng/ người/ tháng. Trong khi mục tiêu của Đề án là tăng thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/ người/ tháng vào năm 2020 và 4,5-5 triệu đồng/ người/ tháng vào năm 2025. Để làm được điều này thì vấn đề các yếu tố ảnh hưởng đến đầu ra cho sản phẩm cần được xem xét kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Đình Liễu phát biểu

Về cơ bản ủng hộ Đề án bảo tồn và phát triển mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch của thành phố, song Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Đình Liễu đã thẳng thắn nhìn nhận: Đề án còn mang tính chung chung, dàn trải. Các giải pháp đề ra chưa ổn, chưa cụ thể. Nhất là giải pháp về môi trường chưa thực sự khả thi. Vấn đề xác mắm kết hợp với các hợp tác xã xử lý thành phân bón là chưa ổn, rồi việc cọ rửa chum lọ mắm đó đổ đi đâu thì chưa giải quyết được. Về kiểm tra chất lượng, ai kiểm tra, kiểm tra như thế nào thì chưa nêu rõ; Cần quan tâm thêm đến các dụng cụ dù là chi tiết nhỏ như gậy khuấy mắm, vỉ cài mắm phải bằng chất liệu tre đảm bảo an toàn, không dùng sản phẩm nhựa. Đề án cần phải đưa ra giải pháp cụ thể là làm gì, làm như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao chứ không nói chung chung. Nguồn nguyên liệu thì Đề án chưa nêu cụ thể là đã sẵn có bao nhiêu % và còn lại phải nhập từ nơi khác bao nhiêu %. Vì vậy đề nghị phía Đề án cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ và cụ thể hơn, chi tiết hơn và các giải pháp đưa ra phải dứt khoát.

Ông Lê văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu phát biểu

Dự và phát biểu tại hội nghị, ông Lê văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Quận Liên Chiểu khẳng định: Nước mắm Nam Ô được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vui rất lớn của làng nghề, của quê hương Hòa Hiệp, của Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng. Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Làm thế nào để người dân làng mắm sống được, ổn định bằng chính cái nghề của mình – nghề truyền thống của quê hương mới là quan trọng. Phó Chủ tịch quận nhìn nhận: Nguồn nguyên liệu tại chỗ là rất quan trọng, Đề án cần nghiên cứu kỹ và có giải pháp cụ thể, khả thi nhất để hỗ trợ ngư dân, động viên người dân làng chài tham gia đánh bắt để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến nước mắm. Vì chính nguồn cá cơm tại “con nước” ở khu vực đặc thù biển Nam Ô này thì chất lượng mắm mới đậm đà hương vị. Lãnh đạo quận cũng chia sẻ thêm thông tin, trong tương lai gần thành phố sẽ có sự tính toán quy hoạch Trường TH Triệu Thị Trinh về cơ sở mới. Và 2 cơ sở cũ của trường sẽ được xem xét bố trí làm nơi trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô... Để làng nghề được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch thì phải nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã, cần có sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, vừa giữ nguyên cách chế biến truyền thống nhưng cũng cần kết hợp công nghệ vào một số công đoạn như đóng chai, đóng nhãn mác một cách khoa học hơn; Và việc quan trọng không thể không làm là trùng tu lại quần thể di tích của làng (Lăng Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh Dinh cô Hồn...) để du khách đến đây vừa thăm làng nghề truyền thống kết hợp tham quan quần thể di tích và dừng chân thưởng ngoạn tại Rạn Nam Ô…

Những quan điểm, góc nhìn khác nhau của các ý kiến tại hội nghị phản biện sẽ là những đóng góp quý báu để Mặt trận quận tổng hợp và đề xuất với các cấp cũng như phía Đề án tiếp tục có sự nghiên cứu, bổ sung và tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng.

Đông Phương 

 

Trực tuyến: 31
Tổng: 12290834

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trưởng Ban biên tập: Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
Địa chỉ: 10-12 Trần Phú, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3821.158 - 0236.3822.196
Email: mttqvn@danang.gov.vn
Giấy phép số: 795/GP-STTTT, ngày 15/8/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng
Ghi rõ nguồn "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Chung nhan Tin Nhiem Mang