29/12/2022
Sáng ngày 28/12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ ViệtNam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu quán triệt một số nội dung chính của Chỉ thị 18-CT/TW, trong đó tập trung nhấn mạnh thời gian qua, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Do vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội, xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định kinh phí bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng đã trình bày Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW trong hệ thống Mặt trận các cấp với các nội dung trọng tâm: quán triệt và triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị; tuyên truyền, phổ biến về công tác giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát và phản biện xã hội; lựa chọn một số nội dung để tổ chức giám sát chuyên đề trong phạm vi toàn quốc; sửa đổi, bổ sung, ký kết quy chế phối hợp công tác, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tổ chức nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tiễn, tọa đàm, hội thảo khoa học làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn giám sát, phản biện xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức; tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội.
Trong phần thảo luận, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến, đề xuất bổ sung một số nội dung, giải pháp hoàn thiện các dự thảo kế hoạch và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thờ gian đến.
Lê Phương