15/07/2022
Hội nghị lần thứ 9 Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 01/7/2022. Hội nghị đã thảo luận thông qua báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 – 2024, công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; hiệp thương thay thế Uỷ viên Uỷ ban Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị;
Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và đoàn kết, Hội nghị đã thống nhất quyết nghị:
1. Thông qua báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024, công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và thống nhất đánh giá:
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019 – 2024, trong bối cảnh Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể và nhân dân toàn thành phố nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trọng tâm là Nghị quyết số 43- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Ủy ban MTTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, gần dân và sát dân, qua đó thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, cũng trong 03 năm qua, đại dịch COVID-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm lý của Nhân dân.
Trước tình hình đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã bám sát sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị bằng các giải pháp linh hoạt, cụ thể, nỗ lực ở mức độ cao nhất trong phòng, chống dịch với quan điểm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội, xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
* Hội nghị chỉ ra một số hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đó là:
- Công tác tuyên truyền còn hạn chế trên các lĩnh vực an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên...
- Việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số vụ việc, vấn đề nổi cộm xảy ra trên địa bàn thành phố chưa được phản ánh kịp thời với cấp ủy đảng, chính quyền; hoạt động của lực lượng nòng cốt chưa thực sự hiệu quả.
- Một số nơi công tác phối hợp với chính quyền, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm của một số thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong hoạt động của Mặt trận chưa rõ nét, nhất là việc tham gia xây dựng các chương trình thống nhất hành động; việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Công tác giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc phản hồi, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội có nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức. Chưa phát huy, thực hiện tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát cán bộ đảng viên và công tác cán bộ theo Thông tri số 10 ngày 22/9/2020 của Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam.
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có giảm số lượng cán bộ chuyên trách trong tình hình khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu công việc ngày càng đa dạng, chuyên sâu nên không tránh khỏi lúng túng, bị động, quá tải, sự vụ trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận các cấp.
2. Thông qua phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2022 – 2024 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 với các nội dung như sau:
2.1. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành uỷ; cụ thể là Chương trình hành động số 01-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, gắn với thực hiện các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 23-4-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố;
Bổ sung các nhiệm vụ theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 28-1-2022 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và cụ thể hoá các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII vào giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 và trong giai đoạn 2022 - 2024 như: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
2.2. Mặt trận các cấp thành phố và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn yêu cầu đặt ra, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, tiếp tục hướng về cơ sở tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại trong nhân dân; đồng thời, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền, tạo sự đồng thuận trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Trước mắt là tập trung thực hiện tốt các giải pháp theo chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
2.3. Tiếp tục vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình “Thành phố 5 không, 3 có, 4 an”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại Hoà Vang đảm bảo chất lượng, hiệu quả tránh bệnh hình thức, chạy theo thành tích.
Rà soát những chính sách xã hội dành cho các đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, phát huy vai trò của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên trong việc tham mưu cho Ban Thường vụ Thành uỷ, kiến nghị các cấp các ngành để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, các hoạt động cứu trợ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và thành phố, Ngày hội đại đoàn kết dân tộc, tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay, điển hình, gương người tốt, việc tốt.
2.4. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thực chất; phát huy dân chủ, thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành uỷ và Quyết định 2838 của Ban Thường vụ Thành uỷ về quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố; chủ động lựa chọn, đề xuất, thực hiện giám sát chuyên đề đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân trong phòng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
2.5. Thực hiện hiệu quả Đề án số 01 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới công tác thông tin, tuyền truyền của MTTQ Việt Nam”; đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội, chính sách về trật tự an toàn xã hội đến với các tầng lớp nhân dân; đồng thời, thường xuyên sâu sát và nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, phát hiện những vấn đề phát sinh, những bức xúc của người dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền và kịp thời định hướng dư luận xã hội về những vấn đề nổi cộm; tổ chức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng với Đảng, chính quyền, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
2.6. Mặt trận các cấp thường xuyên quan tâm đến công tác chuyển đổi số; tham mưu cho cấp ủy, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố theo Đề án của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trước hết là những cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận ở các cấp, đảm bảo phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
3. Nhất trí hiệp thương cử thay thế 03 vị tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2019 - 2024, là:
- Ông Đoàn Duy Tân, Đại tá, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thay ông Lê Văn Chín, Đại tá, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, nghỉ hưu theo chế độ.
- Ông Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố thay thế ông Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Thành niên thành phố.
- Ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn, thay thế ông Huỳnh Cự, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn chuyển công tác.
4. Hội nghị giao Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp thu ý kiến chỉ đạo của ông Lương Nguyễn Minh Triết – Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và các ý kiến tham gia của các vị đại biểu, hoàn thiện và ban hành chính thức các văn bản của Hội nghị.
Nghị quyết này được Hội nghị lần thứ 9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa XI, nhất trí thông qua.